Ít ai ngờ rằng, những mẹo đơn giản dưới đây lại là khắc tinh của loài rắn, khiến chúng chạy xa chúng ta.
Chúng ta biết rằng, mùa hè là mùa sinh nở của côn trùng và tránh nóng của các loài rắn, rết. Bởi vậy không mấy lạ khi nhiều người dân chia sẻ rằng họ rất hoang mang khi phát hiện một chú rắn đang du ngoạn nhà mình, hay nằm thu lu ở góc nhà, trong máy giặt...
Chắc hẳn ai cũng giật mình, hoảng hốt khi thấy cảnh tượng này.
Mới đây nhất, người dân tại Tiền Giang vô cùng hoảng sợ khi chứng kiến cảnh tượng con rắn dài khoảng hơn 1 mét vùng vẫy trong phòng tắm tại nhà của một người dân.
Điều này khiến không ít người lo lắng, hoảng loạn. Bởi vậy, hãy nắm ngay những biện pháp phòng rắn vào nhà dưới đây để bảo vệ sức khoẻ, mạng sống của bạn và người thân.
1. Rắc bột hùng hoàng
Bột hùng hoàng (tên khoa học là: arsenic sulfide) được coi là khắc tinh của rắn. Chúng sẽ bỏ đi ngay lập tức khi đánh hơi thấy mùi này.
Thực chất, đây là một loại quặng trong tự nhiên, phân bố rộng rãi trên bề mặt trái đất. Trong tự nhiên, arsenic kết hợp với với oxygen, chlorine, và sulfur thành một dạng phức hợp arsenic vô cơ, và khá độc.
Arsenic sulfide gần như ít tan trong nước, nếu con người ăn phải hay hít phải sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, tới các men tiêu hóa.
Đặc biệt, người hít phải với số lượng lớn bị ngộ độc. Do đó, khi rắc bột này quanh góc nhà, bạn cần đeo găng tay, khẩu trang, tránh để bột rơi vào thức ăn hoặc nguồn nước. Sau khi làm, cần phải rửa tay thật sạch sẽ. Do tính nguy hiểm, bạn chỉ nên dùng biện pháp này khi cấp bách mà thôi.
2. Trồng cây đuổi rắn
Ít ai biết rằng, một số loại cây không chỉ có ý nghĩa làm đẹp, trang trí cho ngôi nhà của bạn mà cũng có tác dụng xua đuổi những con vật nguy hiểm nữa đó.
Có thể kể đến một vài loại cây như: cây nén, cây sả, hoa lan tỏi... đó là những loại cây sẽ khiến rắn "né" nhà bạn từ xa. Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ cực nhạy cảm với mùi nên tác dụng của việc trồng cây sẽ càng hiệu quả hơn.
Cụ thể, cây nén thuộc họ hành, thường được gọi là hành tăm, hành trắng. Đây là một loại gia vị đặc biệt do sở hữu tinh dầu trong củ, lá có mùi thanh và cay hơn so với hành/tỏi nên khi phát hiện mùi từ xa - các loài rắn sẽ tìm cách lẩn tránh và không dám đến gần.
Hoa lan tỏi là một loại cây có thân leo, hoa màu tím, vị ngọt, có tác dụng giải nhiệt, chống rôm sảy... và là một vị thuốc an thần tốt. Tuy nhiên, do lá cây này có mùi tỏi rất nồng, khó chịu, thậm chí nồng hơn cả tỏi nên lũ rắn mới tránh xa những khu vực trồng cây này.
Loài cây thứ 3 khá quen thuộc với chúng ta là sắn dây. Do phần nhựa tiết ra từ cây sắn dây có mùi khó chịu nên khiến rắn sợ và tránh xa.
3. Dọn dẹp nhà cửa
Rắn cực ưa bóng tối, thích nơi mát mẻ. Do đó, để rắn không cư ngụ nhà bạn bất thình lình, bạn nên dọn dẹp những nơi tối tăm như gầm giường, gầm tủ... sạch sẽ. Đồng thời, cần thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn.
Điều này sẽ khiến rắn không có chỗ trốn và cũng để bạn có thể nhanh chóng phát hiện được sự đột nhập "bất hợp pháp" của loài vật nguy hiểm này.
Cùng với đó, đồ đạc trong nhà cũng cần phải sắp xếp gọn gàng, tránh tạo những nơi ẩm thấp, u tối - là nơi trú ngụ tuyệt vời của loài bò sát này.
4. Nuôi chó hoặc mèo
Nuôi một chú chó hoặc một con mèo không chỉ để trông nhà, mua vui... mà chúng còn giúp bạn đuổi rắn.
Khi thấy rắn xuất hiện, những con vật này sẽ báo động giúp bạn có thể phát hiện sự xuất hiện của vị khách không mời.
Rắn có thể sợ và bỏ chạy, nhưng đôi lúc nó có thể tấn công lại vật nuôi. Dẫu vậy, khi nhận thấy sự bất thường, bạn cũng nên kiểm tra lại một lượt để tránh nguy hiểm bất ngờ có thể xảy ra.
5. Sử dụng các nguyên liệu nhà bếp đơn giản để đuổi rắn
Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ vì bạn hoàn toàn có thể đuổi rắn bằng các nguyên liệu dễ dàng tìm thấy trong nhà bếp. Các loại cây gia vị như hành, tỏi, nén….là những cây gia vị có mùi nồng và kích thích khứu giác mạnh. Vì thế, rắn rất sợ những mùi hương này.
Vậy làm sao để đuổi rắn khỏi nhà bằng các nguyên liệu nhà bếp? Điều này hết sức đơn giản. Các bạn chỉ cần lấy 10 củ nén giã nhỏ trộn với 1 củ tỏi, 10 nhánh hành hương và một ít thuốc lá sợi, giã nhỏ, đựng vào một túi vải treo xung quanh nhà hoặc đeo bên mình. Mùi dược liệu bốc ra sẽ làm rắn tránh xa.
Đặc biệt đây được xem là cách đuổi rắn lục xanh đuôi đỏ hiệu quả và vô cùng tiện lợi trong thời điểm rắn lục hoành hành như hiện nay.
Khi phát hiện rắn vào nhà thì cần xử lý như thế nào?
Rắn là loài bò sát thích ẩn nấp ở những chỗ ẩm thấp, mát mẻ và kín. Vì vậy, nếu phát hiện có rắn trong nhà, đơn giản là nó đang tìm một chỗ ẩn nấp cho nên đừng quá hoảng sợ.
- Điều đầu tiên phải làm là thật bình tĩnh và tìm cách "đối xử" nhẹ nhàng để tống nó ra khỏi nhà.
- Tìm một cây gậy dài, hoặc cán chổi xua từ từ đuổi nó đi.
- Nếu phát hiện rắn ở trên mặt sàn, có thể dùng một tấm chăn, mền dày chụp lên nó. Con rắn sẽ cảm thấy an toàn khi ở trong bóng tối và không nhìn thấy gì xung quanh, nó sẽ bớt hung hãn hơn. Sau đó, tìm vật nặng đè quanh mép chăn để con rắn không thoát ra.
- Nếu con rắn ở một góc khuất nào đó như ngăn kéo, góc tủ thì hãy để yên nó. Di chuyển tất cả mọi người ra ngoài và tìm sự trợ giúp từ chuyên gia bắt rắn hoặc gọi đội cứu hộ động vật hoang dã.
- Tình huống rất thường gặp ở các vùng núi là gặp một con rắn độc trong vườn. Ở trường hợp này, đừng cố gắng giết chết nó. Khi cảm thấy nguy hiểm, rắn sẽ tấn công con người.
Hãy dùng gậy dài hoặc vòi phun nước áp suất cao để đuổi nó ra khỏi khu vực gia đình. Nếu không, hãy tìm sự trợ giúp.
Những cách ngăn chặn rắn quay trở lại
Mặc dù đã đuổi được rắn ra khỏi nhà, tuy nhiên thật khó có thể biết trước chúng có thể quay trở lại hay không, Vậy thì hãy chủ động áp dụng một số biện pháp để không cho chúng quay trở lại nhà nhé:
Thường xuyên cắt tỉa cây cối phát quang bụi rậm. Việc làm này để tránh tạo điều kiện tạo ra không gian trú ngụ cho rắn.
Loại bỏ các nguồn thức ăn của rắn, thức ăn của rắn thông thường là chuột, dế, các loài côn trùng… Để hạn chế rắn vào nhà bạn phải đảm bảo nhà không có chuột. Bạn cần dọn dẹp, vệ sinh nhà, tránh để thức ăn thừa ở bên ngoài để không chiêu dụ lũ chuột vào nhà.
Bịt kín các lỗ hỏng trong nhà bằng keo trám trét hoặc keo bọt nở. Các vết nứt hay lỗ hỏng này rất dễ trở thành nơi trú ngụ của rắn và việc bịt kín, trám lại sẽ khiến chúng không có chỗ ẩn nấp. Chúng sẽ không quay trở lại nếu không tìm được nơi an toàn trú ẩn.
- Video: Rắn hổ mang lao thẳng vào chuồng mèo để săn mồi, cái kết sẽ ra sao?
- Video: Kỳ đà "gồng mình" đối đầu với rắn chuột hung dữ, kết cục sẽ ra sao?
- Video: Rắn hai đầu cùng lúc nuốt chửng hai con chuột