3. Sẵn sàng kết thúc mối quan hệ khi cần thiết
Hy sinh vì tình yêu dường như là điều được lý tưởng hóa trong văn hóa đại chúng. Gần như bộ phim nào lấy yếu tố lãng mạn làm trọng tâm cũng sẽ có một nhân vật tuyệt vọng, đến mức sẵn sàng đối xử với bản thân thậm tệ để có được trái tim kẻ khác.
Sự thật là các tiêu chuẩn về một “mối quan hệ thành công” đã trở nên khá độc hại. Theo đó, một mối quan hệ tốt đẹp dường như chỉ kết thúc khi một trong hai người qua đời. Còn nếu không, chúng ta có xu hướng coi nó là thất bại, bất kể hoàn cảnh của người trong cuộc ra sao. Và điều đó thật hết sức điên rồ.
Romeo và Juliet vốn được viết ra để châm biếm tình yêu dại khờ, rằng việc yêu một người mù quáng có thể khiến bạn làm những điều điên rồ đến mức nào. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta lại coi nó như một chuyện tình lãng mạn đáng được ngợi ca.
Chính kiểu tư duy phi lý này khiến người ta không thể rời khỏi những mối quan hệ mà họ bị đối xử không ra gì. Họ từ bỏ nhu cầu và bản dạng của chính mình, biến mình thành những liệt sĩ đau khổ, và kìm nén nỗi đau của chính mình chỉ để duy trì một mối quan hệ đến cùng.
Đôi khi, thứ duy nhất khiến một mối quan hệ thành công là đánh dấu chấm hết cho nó ở thời điểm cần thiết, trước khi mọi việc đi quá xa. Và việc sẵn lòng rời đi giúp bạn lập nên những ranh giới lành mạnh để cả bạn và người ấy trưởng thành hơn.
“Sống với nhau đến đầu bạc răng long” là câu chúc nghe thật lãng mạn, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu bạn tôn thờ một mối quan hệ hơn cả chính bản thân mình, hơn cả các giá trị, nhu cầu và mọi thứ khác trong đời sống của bạn - thì bạn đã vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn nơi không ai phải chịu trách nhiệm gì.
Bạn sẽ không còn cảm giác mình phải cải thiện bản thân, vì người ấy luôn phải ở bên bạn dù thế nào đi nữa. Và họ cũng vậy, bởi bạn phải ở bên họ mọi lúc mọi nơi. Điều này khiến cả hai bạn đều trì trệ - nguồn cơn cho mọi đau khổ trong mối quan hệ này.