Pháp là đất nước có nền giáo dục phát triển, chất lượng đào tạo hàng đầu Châu Âu nên có sức hút đặc biệt đối với du học sinh quốc tế. Trong đó, hệ thống giáo dục đại học Pháp mang những đặc thù và khác biệt nhất định so với Việt Nam. Vì thế, ngay từ thời điểm tìm kiếm thông tin du học, các bạn học sinh, sinh viên cần có góc nhìn tổng quan về vấn đề này. Và trong bài viết này, VFE sẽ cùng bạn khám phá cụ thể nhé!

I.Tổng quan về hệ thống giáo dục của Pháp
Khá tương đồng với Việt Nam, nền giáo dục Pháp cũng bao gồm 03 cấp bậc đào tạo chính, gồm giáo dục tiểu học (enseignement primaire), trung học (enseignement secondaire) và đại học (enseignement supérieur). Dưới đây là thông tin cơ bản của 03 cấp.
Giáo dục bậc Tiểu học
Bậc Tiểu học ở Pháp bắt đầu từ khi đứa trẻ lên 6 tuổi và kéo dài 5 năm. Ở trường tiểu học, đứa trẻ chủ yếu được học các môn Pháp văn, Toán, Khoa học và Khoa học nhân bản. Ở bậc Tiểu học, đứa trẻ sẽ học cách đọc, viết thông qua các hoạt động sáng tạo, học đếm bằng các công cụ cơ bản về tính toán và số học. Đứa trẻ cũng được giới thiệu một ngôn ngữ nước ngoài, thường là tiếng Anh, cũng như các công nghệ mới như máy tính. Các lớp học ở cấp tiểu học bao gồm các bé gái và bé trai (trộn lớp) và thường được giảng dạy bởi một giáo viên, người dạy tất cả các môn học.
Tuy nhiên, một đứa trẻ có thể bắt đầu quá trình học tập ở trường từ năm 2 tuổi đến khi 5 tuổi để làm quen với các con số và kỹ năng đọc hiểu, viết chữ. Giai đoạn này, các bé phát triển thông qua nhiều hoạt động đánh thức sự nhạy cảm của mình với thế giới xung quanh và khả năng học hỏi độc lập. Đây được gọi là giáo dục tiền tiểu học, không bắt buộc nhưng hầu hết trẻ em tham gia.
Ở bậc giáo dục Tiểu học trẻ em được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn học phí.
Giáo dục bậc Trung học
Bậc Trung học được chia làm 2 cấp: Trường Trung học cơ sở và Trường Trung học phổ thông.
Trường Trung học cơ sở bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 9 và Trường Trung học phổ thông bắt đầu từ lớp 10 đến lớp 12. Học sinh được học các môn cốt lỗi (Ví dụ: tiếng pháp, toán học, lịch sử, địa lý, khoa học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, vv) mà họ được dạy bởi các giáo viên chuyên trách.
Giai đoạn Trung học cơ sở kết thúc với Chứng chỉ cấp 2, chứng nhận chính thức đầu tiên của trường. Ở cấp độ này, học sinh có thể lựa chọn giữa việc tiếp tục học tập của họ trong giáo dục phổ thông (cử nhân) hoặc giáo dục dạy nghề, năm cuối này sẽ cho phép các học sinh có bằng (CAP hoặc BEP) thông qua các khóa học ngắn 1-2 năm.
Đa số các sinh viên lựa chọn để tiếp tục mở ra con đường học tập tại các trường đại học cao hơn. Có các lựa chọn khác nhau tấm bằng cử nhân, tùy thuộc vào nguyện vọng và khả năng của sinh viên. Một số lựa chọn ngành khoa học (Bac S), một số lựa chọn kinh tế (Bac ES), một số khác lựa chọn văn học (Bac L).
Giáo dục bậc Đại học (giáo dục bậc cao)
Theo thống kê, có tới hơn 3500 cơ sở đào tạo đại học của nhà nước và tư nhân tại Pháp, bao gồm:
- 85 trường đại học tổng hợp (Université)
- 224 trường kĩ sư (École Ingénieur)
- 220 trường thương mại và quản lý (École de commerce)
- 20 trường kiến trúc (Achitecte)
- 120 trường nghệ thuật (Art)
- Và hơn 3000 cơ sở đào tạo các lĩnh vực chuyên môn khác
(Theo số liệu thống kê năm 2018)
Thông tin chi tiết sẽ được bật mí trong phần kế tiếp của bài viết, bạn đọc đừng bỏ qua nhé!
>>> XEM THÊM: Có nên đi du học Pháp không? Tìm hiểu ngay 6 lý do quan trọng
II.Toàn tập về hệ thống giáo dục đại học Pháp
Đầu tiên, nói tới giáo dục đại học tại Pháp, hệ thống này bao gồm các cơ sở giảng dạy và chương trình đào tạo được xây dựng, tổ chức mang tính chuyên môn hóa cao, đảm bảo cung cấp cho người học những hướng phát triển toàn diện, chuyên sâu nhất.
Dưới đây là hình ảnh mô tả tổng quan hệ thống giáo dục bậc cao, bao gồm cả đại học tại Pháp. Dựa vào đó, hãy cùng VFE tìm hiểu, phân tích chi tiết hơn nhé.

1.Hệ thống trường đào tạo các chương trình bậc cao
Hiện nay, nước Pháp có hơn 3500 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học. Trong đó, có 72 trường đại học tổng hợp, 227 trường kỹ sư, 220 trường thương mại-quản lý, 45 trường nghệ thuật công lập, 22 trường kiến trúc với khoảng 1600 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh,… Tất cả đã tạo nên một nền giáo dục chất lượng chất lượng top 5 thế giới.
Trong đó, hệ thống các cơ sở đào tạo chương trình bậc cao có thể được phân nhóm như:
- Nhóm trường trung học (LYCÉE): Các trường trung học tại Pháp không chỉ đào tạo học sinh THPT mà còn có định hướng giảng dạy chuyên môn hóa theo từng ngành từ sớm và cung cấp một số chương trình đào tạo bậc cao sau THPT. Mỗi chương trình sẽ có thời gian đào tạo cụ thể (2 hoặc 3 năm) và phù hợp với từng nhóm ngành khác nhau như chương trình đào tạo bằng quốc gia về nghệ thuật và thiết kế, các chương trình Dự bị trường lớn…
- Trường đại học tổng hợp (Université): Đây là các trường đại học đào tạo đồng thời nhiều ngành/chuyên ngành khác nhau. Trong đó, một số ngành mang tính đặc thù - chỉ được giảng dạy tại nhóm trường này như Luật, Tâm lý học hay Y-Dược…
Xét về mặt chủ thể quản lý, Université là các trường đại học công lập - do nhà nước, chính phủ quản lý, giám sát. Theo đó, sinh viên theo học sẽ được miễn học phí, chỉ cần đảm bảo phí ghi danh cùng một số phí khác như CVEC,…
Bạn cũng đừng quên cập nhật mức phí ghi danh mới tại các trường công trong năm học 2024-2025 nhé: [Chính thức] Điều chỉnh mức PHÍ GHI DANH năm học 2024-2025 tại các cơ sở đào tạo công lập ở Pháp!
Một số trường đại học tổng hợp chất lượng tại Pháp, có thể kể tới như: đại học Paris Saclay, đại học Montpellier, đại học Bordeaux,…
- Trường đại học chuyên ngành (École): Đúng như tên gọi, đây là các trường đại học tập trung đào tạo 01 ngành/khối ngành nhất định - khác hoàn toàn so với Université. Đặc biệt, nhóm cơ sở giáo dục này có thể được chia thành Grande École và École Spécialisées. Dưới đây là một số thông tin căn bản giữa 2 phân nhóm này.
+ Grande École: Thuật ngữ này được dùng để nói về hệ thống các trường Lớn - một mô hình đặc trưng của giáo dục Pháp, bao gồm các cơ sở đào tạo giáo dục đại học được chính phủ Pháp công nhận, xét tuyển có chọn lọc để đào tạo các chuyên gia về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị. Theo đó, quy trình tuyển sinh của các Grande École rất khắt khe, thường tổ chức theo hình thức thi tuyển sau 2 năm dự bị (CPGE) hoặc tuyển sinh trực tiếp (đối với các trường kinh doanh và kỹ sư).
Tất nhiên, Grande École mang đặc điểm căn bản của một École - mỗi đơn vị sẽ tập trung giảng dạy 01 ngành/khối ngành nhất định, phổ biến là Kỹ sư, Thú y, Sư phạm, Thương mại, Chính trị và Nghệ thuật. Đồng thời, cần lưu ý rằng, mỗi trường Lớn có thể là một trường công lập (ví dụ như INSA, ENSA,…) hoặc tư thục (như NEOMA, SKEMA,…)
+ École Spécialisées: Đây là các trường chuyên ngành còn lại nhưng không thuộc Grande École. Đối với nhóm này, quy trình tuyển sinh có phần “dễ thở” hơn so với trường Lớn. Về mặt chủ quản, đa số cái tên trong phân nhóm này là trường tư thục.
>>> XEM THÊM: Grande École là gì? Tìm hiểu chi tiết về hệ thống trường lớn tại Pháp
2.Hệ thống chương trình đào tạo bậc cao nổi bật
2.1.Các chương trình đào tạo trình độ từ BAC tới BAC+2
2.1.1.BAC (Baccalauréat) - điều kiện bắt buộc khi ứng tuyển các chương trình đào tạo bậc cao tại Pháp
Baccalauréat, tên đầy đủ là Diplôme baccalauréat và thường được gọi tắt là Bac là bằng chứng nhận hoàn thành chương trình học 12 năm phổ thông tại Pháp, tương đương với bằng tốt nghiệp THPT ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như bằng tốt nghiệp THPT tại Việt Nam không chia thành từng loại cụ thể thì ở Pháp, Baccalauréat bao gồm 03 nhóm phổ biến là Bac L (Lettres), Bac S (Sciences), Bac ES (Économiques et Sociales).
Theo đó, đây là điều kiện bắt buộc để ứng tuyển các chương trình học bậc cao ở Pháp: BTS, DN MADE, DEUST, DUT, Licence, BUT,…
Cũng cần lưu ý rằng, từ BAC, chúng ta sẽ có Bac+1, Bac+2, Bac+3, Bac+4,… - tương ứng với từng năm học. Như vậy, thời gian đào tạo các chương trình sau khi tốt nghiệp THPT tương ứng là:
- Với trình độ Cử nhân (hoặc tương đương) cần hoàn thành Bac+3 (03 năm học tính từ BAC);
- Với trình độ Thạc sĩ (hoặc tương đương) cần hoàn thành Bac+5 (05 năm học tính từ BAC);
- Với trình độ Tiến sĩ thường sẽ cần hoàn thành Bac+8 (08 năm học tính từ BAC)
- …
Dễ thấy, khác với nền giáo dục tại Việt Nam, hệ thống giáo dục Pháp không bao gồm hệ cao đẳng. Và trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ chủ yếu nhắc đến chương trình đào tạo từ Bac+1 tới Bac+5.
2.1.2.Các chương trình dự bị tiếng
Dự bị tiếng là chương trình dành cho các bạn có nguyện vọng học tập tại Pháp (hệ Cử nhân hoặc Thạc sĩ) nhưng chưa có đủ trình độ tiếng Pháp yêu cầu (thường tối thiểu là B2). Dù đạt trình độ nào: A1, A2, B1 hay B2 bạn đều có thể đăng ký học tiếng Pháp tại một cơ sở đào tạo tiếng Pháp công lập hoặc tư thục tại Pháp. Tuy nhiên, để có thể giao tiếp được cơ bản, thích nghi tốt hơn với việc học tập và sinh sống tại Pháp và theo học chương trình đại học bằng tiếng Pháp sau đó, Campus France khuyến khích các bạn nên có tối thiểu trình độ A2.
Đối với chương trình đào tạo tiếng Pháp tại các trường công, thường sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh sẽ nhận được Bằng DUEF (Diplôme Universitaire d’Études Françaises - có thể hiểu là Bằng chứng nhận trình độ tiếng Pháp cấp bởi Trường đại học và có thể sử dụng trong hồ sơ apply vào trường đó thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ). Với các trung tâm đào tạo tiếng, họ sẽ cung cấp chứng nhận hoàn thành khóa học được xác nhận bởi Trung tâm. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ đăng ký tham gia kỳ thi TCF/ DELF để nhận được chứng chỉ tiếng Pháp mong muốn và bổ sung vào bộ hồ sơ xin học Đại học/ Thạc sỹ sau đó.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về chương trình qua bài viết: Chương trình dự bị tiếng Pháp là gì? So sánh dự bị tiếng và dự bị đại học
2.1.3.BTS là gì?
BTS (Brevet de Technicien Supérieur) là bằng Kĩ thuật viên cao cấp (tương đương trình độ Bac+2, bao gồm 120 tín chỉ). Chương trình thường đào tạo trong 2 năm tại tại các trường THPT công lập hoặc đại học chuyên ngành tư thục.
BTS chú trọng vào cơ hội thực hành và các giai đoạn thực tập trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp BTS, sinh viên đã có kinh nghiệm và quen với môi trường, có thể đi làm ngay. Chương trình BTS có cường độ học tăng cường, từ 32 đến 35 giờ một tuần. Các môn học trong chương trình sẽ phụ thuộc vào chuyên ngành bạn chọn. Tuy nhiên, một số môn chung là bắt buộc sinh viên theo học ở mọi chương trình BTS như: Văn hoá, ngoại ngữ, kinh tế cơ bản, luật, v.v.
Bên cạnh BTS, chúng ta có thể điểm tên các chương trình đào tạo trình độ Bac+2 gồm CPGE (dự bị đại học chương trình Grande École) hay DEUST.
Để có những thông tin cụ thể hơn về chương trình CPGE, bạn đừng bỏ qua bài viết sau: CPGE - Khoá học Dự bị Đại học vào trường Lớn tại Pháp
2.2.Các chương trình đào tạo trình độ bậc Cử nhân (hoặc tương đương) - BAC+3
2.2.1.Licence
Licence là một chương trình đào tạo cấp bằng đại học bậc cử nhân tại Pháp, tương đương trình độ Bac+3. Licence được cung cấp, giảng dạy ở các trường Đại học tổng hợp (Université) với thời gian đào tạo thường kéo dài 3 năm, yêu cầu sinh viên hoàn thành 180 tín chỉ ECTS để tốt nghiệp.
Hệ thống nội dung chương trình giảng dạy thiên về lý thuyết và đào tạo chuyên ngành từ năm thứ 3, cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thời gian thực tập, có thể học xen kẽ/vừa học vừa làm.
Sau khi hoàn thành chương trình và có bằng Licence, sinh viên có thể tiếp tục học chuyên sâu hoặc nghiên cứu lên trình độ bac + 5 (tương đương với Thạc sĩ) tại trường đại học, trường kinh doanh, trường chuyên,…
2.2.2.BUT
BUT (Bachelor Universitaire de Technologie) là chương trình đào tạo được cung cấp bởi các IUT (Institut Universitaire de Technologie) - Viện Đại học Công nghệ trực thuộc các trường đại học tổng hợp của Pháp. Chương trình có thời gian giảng dạy trong 3 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có trình độ bac+3, tương đương bậc Cử nhân (Licence) và có thể lựa chọn học tiếp lên Thạc sĩ (Master) hoặc trực tiếp đi làm.
Một điểm đặc biệt là sinh viên hoàn thành chương trình BUT sẽ có kiến thức chuyên ngành tốt, có khả năng thực hành cao nên được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.
Và nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về chương trình BUT và IUT, VFE gửi tới bạn bài chia sẻ: “Chương trình BUT là gì? IUT là gì? Học BUT tại IUT, tại sao không?“. Hãy nhớ tham khảo nhé!
2.2.3.Bachelor
Nếu như Licence và BUT được đào tạo tại các Université và Institut Universitaire de Technologie thì Bachelor được cung cấp bởi các École (gồm cả tư thục, trường chuyên ngành hoặc Grande Écoles).
Về định hướng đào tạo, Bachelor sẽ chú trọng hơn về yếu thực hành, phát triển các kỹ năng chuyên môn và nâng cao kinh nghiệm thực tiễn đối với lĩnh vực tương ứng. Ngôn ngữ giảng dạy có thể bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh với nhiều thời gian thực tập, trao đổi hơn so với chương trình Licence.
Trong trường hợp bạn cần tìm hiểu chi tiết hơn về 03 văn bằng, vậy thì nhớ tham khảo bài viết: Phân biệt Licence, BUT, Bachelor - các văn bằng đào tạo Cử nhân đáng cân nhắc ở Pháp nhé!
2.2.4.LAS/PASS - chương trình đặc thù dành cho sinh viên ngành y dược
Có thể nói, đây là các chương trình mà sinh viên khối y dược dành sự quan tâm đặc biệt.
- PASS (Parcours d’Accès Spécifique Santé): Chương trình Đào tạo trong vòng 1 năm (tương đương trình độ Bac+1), được tổ chức bởi các khoa Y-Dược thuộc khối các trường đại học, thay thế kỳ thi đầu vào truyền thống (PACES) tại các trường y, dược, nha khoa và hộ sinh tại Pháp. Sinh viên lựa chọn thêm 1 chuyên ngành nhỏ khác phù hợp với kế hoạch học tập và thế mạnh của mình ngoài chuyên ngành thuộc Y-Dược (ví dụ: Luật, sinh học, ngôn ngữ…).
- L.AS (Licence Accès Santé): Chương trình học kéo dài ba năm (tương đương trình độ Bac+3), kết hợp giữa kiến thức nền tảng của một ngành học đại học bất kỳ (như sinh học, hóa học, vật lý,…) và các môn học liên quan đến sức khỏe. L.AS tích hợp các môn học tiền lâm sàng, giúp sinh viên làm quen với môi trường y tế và có được những kiến thức cơ bản cần thiết để theo đuổi các ngành y.
Điểm khác biệt giữa L.AS và PASS được thể hiện ở chỗ: trong khi PASS tập trung chủ yếu vào các môn học liên quan đến sức khỏe, chuẩn bị cho sinh viên một cách toàn diện để vào các ngành y, dược, nha khoa và hộ sinh,… thì L.AS có sự kết hợp đào tạo giữa kiến thức nền tảng và kiến thức y tế, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn về ngành học chính.
Bên cạnh các chương trình chính dành cho hệ Cử nhân đã nêu, một số trường/cơ sở đào tạo cũng cung cấp cả chương trình DN MADE, DCG, Licence Professionnelle.
2.3.Các chương trình đào tạo trình độ bậc Thạc sĩ (hoặc tương đương) - BAC+5
Nổi bật trong nhóm này là chương trình Master và đào tạo kỹ sư!
2.3.1.Chương trình Master
Đầu tiên, các chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ hoặc tương đương, tương ứng với trình độ Bac+5 với thời gian đào tạo trong vòng 2 năm và tập trung vào các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn so với chương trình Cử nhân trong cùng nhóm chuyên ngành. Xét về định hướng giảng dạy, có thể chia thành nhóm chương trình Thạc sĩ chuyên ngành (Master Spécialisé), Thạc sĩ nghiên cứu (Master Recherche) và Thạc sĩ hỗn hợp (Master indiffférencié). Mỗi nhóm sẽ có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người học nhất định.
Theo đó, một trong những điều kiện cơ bản để ứng tuyển các chương trình này là bạn đã được cấp văn bằng chứng nhận trình độ Bac+3. Điều này đảm bảo người học có kiến thức nền tảng về lĩnh vực sẽ học nâng cao.
Cụ thể hơn, sau khi hoàn thành chương trình Licence tại các trường đại học tổng hợp hoặc Bachelor tại các Grand École, bạn hoàn toàn có thể apply chương trình Master đối với chuyên ngành tương ứng tại các cơ sở đào tạo này.
Đồng thời, sinh viên quốc tế (không thuộc châu Âu) đã hoàn thành chương trình Cử nhân (hoặc tương đương) cũng có thể cân nhắc học Thạc sĩ tại Pháp với nhiều ngành/chuyên ngành vô cùng triển vọng.
Để biết thêm thông tin chi tiết về quy trình, thủ tục liên quan, bạn hãy nhớ liên hệ tới VFE để được tư vấn, hỗ trợ nhé!
2.3.2.Chương trình kỹ sư - nổi bật nhất là tại INSA
Chương trình đào tạo kĩ sư, tiêu biểu là tại INSA (Institut National des Sciences Appliquées) có thời gian đào tạo kéo dài 5 năm.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận Bằng Kĩ sư (Tương đương Trình độ Thạc sĩ Bac +5), tấm bằng uy tín được công nhận trên toàn thế giới. Chương trình học tại INSA mang tính toàn diện với nguồn kiến thức chuyên sâu, được cập nhật liên tục và các kĩ năng mềm được phát triển với mục tiêu đào tạo ra những “Kĩ sư làm quản lí” đáp ứng nhu cầu tuyển dụng khắt khe của các doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế hóa.
Điểm khác biệt căn bản giữa chương trình này so với Thạc sĩ là bạn có thể ứng tuyển ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, định hướng, nội dung và lộ trình giảng dạy của INSA được chuyên bị hóa để đào tạo nên những kỹ sư hàng đầu!
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết: Du học Pháp tại khối trường INSA - hệ thống đào tạo Kĩ sư hàng đầu châu Âu
2.4.Alternance là gì?
Ngoài các chương trình đã nêu, chúng ta không thể bỏ qua Alternance - còn được biết đến là hệ đào tạo vừa học vừa làm tại Pháp. Theo học chương trình này, sinh viên sẽ được:
- Miễn 100% học phí (do doanh nghiệp đã chi trả hoàn toàn)
- Hưởng lương theo quy định tại Pháp (do doanh nghiệp chi trả)
- Tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc thực tiễn
- Đứng trước cơ hội trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp ngay sau khi hoàn thành chương trình
Thông tin chi tiết về chương trình có tại: Alternance - Chương trình vừa học vừa làm tại Pháp
Tổng kết
Qua những chia sẻ trên đây, mong rằng, bạn đọc đã có những thông tin và góc nhìn đẩy đủ hơn về hệ thống giáo dục đại học Pháp. Từ đó, dễ dàng lựa chọn được các chuyên ngành và trường đào tạo nổi bật.
Và nếu đang còn những băn khoăn, thắc mắc về hệ thống các trường, các chương trình đào tạo ở Pháp, bạn hãy nhớ tham gia chuỗi sự kiện “DU HỌC PHÁP 2025: ĐÚNG LỘ TRÌNH - TRÚNG MỤC TIÊU” để được chia sẻ, tư vấn và cá nhân hóa lộ trình của bản thân nhé! Đây chắc chắn là hành trang hữu ích, thiết thực và cần thiết dành cho bạn, nhất là khi đợt ứng tuyển năm học 2024-2025 của các trường tại Pháp đang cận kề!
Chi tiết chuỗi sự kiện tại: https://vfegroup.vn/du-hoc-phap-2025-dung-lo-trinh-trung-muc-tieu/
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN NGAY!