Cùng Phượt - Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tỉnh lị là thành phố Lào Cai, cách Hà Nội 330 km. Có vị trí địa lý thuận lợi, trong những năm qua, ngành du lịch Lào Cai đã phát triển mạnh mẽ với các loại hình đa dạng, từ du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh cho đến du lịch thể thao, nghiên cứu. Và với hình thức nào, Lào Cai cũng thể hiện rất tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương, đồng thời mang hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới.
Danh từ “Lào Kay” đã dược người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu nhưng trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là “Lao Cai”. Sau tháng 11 năm 1950, đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.
Về nguồn gốc tên gọi này có nhiều cách lý giải:
Sau khi đánh chiếm Lào Cai (3 -1886) và khi hoàn thành công cuộc bình định quân sự, thực dân Pháp cai quản địa hạt Lào Cai theo chế độ quân sự. Ngày 7/01/1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai. Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV. Để dễ bề kiểm soát thực dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày 12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai. Từ đây địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa danh hành chính Lào Cai cũng có nhiều thay đổi.
Ngoài ra, Lào Cai còn là cửa ngõ thông thương chính với Trung Quốc của miền Bắc (Ảnh - cungphuot.info)Phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên hữu ngạn sông Hồng sáp nhập vào Chiêu Tấn, vẫn lấy tên là châu Thuỷ Vỹ. Từ đó địa danh Chiêu Tấn không còn. Phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên tả ngạn sông Hồng được tách ra lập thành châu Bảo Thắng. Tỉnh Lào Cai gồm hai châu Thuỷ Vỹ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Phong Thổ, Bát Xát, Bắc Hà (Pa Kha) và thị xã Lào Cai, với 855 làng bản, 6.812 hộ, 39.099 nhân khẩu, với 11 dân tộc chủ yếu: Mông, Dao, Tày, Giáy… trong đó người Mông chiếm 26,56%, Dao 22,41%, Tày, Giáy 20,77%, Kinh 4,52%, Nùng 7,33%, Thái 9,25%, U Ní 2,48%, Hoa Kiều 4,44%, còn lại là các dân tộc khác.
Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa bị chia phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian. Đột biến về nhiệt độ thường xuất hiện ở dạng nhiệt độ chênh lệch trong ngày lên cao hoặc xuống thấp quá (vùng Sa Pa có nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 0°C và có băng hoặc tuyết rơi).
Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng cao từ 15°C - 20°C (riêng Sa Pa từ 14°C - 16°C và không có tháng nào lên quá 20°C) và vùng thấp từ 23°C - 29°C
Sương: Sương mù thường xuất hiện phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi ở mức độ rất dày. Trong các đợt rét đậm, ở những vùng núi cao và các thung lũng kín gió còn xuất hiện sương muối, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày.
Một vài thời điểm du lịch Sapa và du lịch Lào Cai thích hợp cho các bạn như sau:
Cách đây một vài năm, tàu hỏa là phương tiện vô cùng được ưa thích khi khách du lịch đến Lào Cai bởi thời gian tàu chạy phù hợp, có nhiều lựa chọn giá vé, đi lại an toàn và thoải mái. Thường thì các chuyến tàu đi Lào Cai sẽ khởi hành từ ga Hà Nội vào mỗi tối, thời gian đi mất khoảng 8 tiếng và đến Lào Cai vào sáng sớm hôm sau. Trong thời gian gần đây, do lượng khách đi tàu sụt giảm nhiều nên giá vé tàu giường nằm đi Lào Cai cũng đã giảm khá nhiều, không cao như trước đây nữa.
Kể từ khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, ô tô là phương tiện di chuyển tới Lào Cai được nhiều người lựa chọn hơn bởi thời gian di chuyển được rút ngắn đáng kể, chỉ còn khoảng 4 tiếng so với 8 tiếng trước đây.
Hiện từ Hà Nội mỗi ngày có rất nhiều xe đi Lào Cai, xe đi Sapa và chạy trong rất nhiều khung giờ từ sáng sớm cho đến tận đêm (do thời gian đi được rút ngắn nên có xe đi ban ngày, trước kia thường chỉ có xe đêm). Các xe đi Lào Cai thường xuất phát tại bến xe Mỹ Đình, cũng có một số nhà xe có xe xuất phát tại bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Các bạn có thể tham khảo danh sách các xe đi Sapa để có thêm thông tin chi tiết.
Ngoài các địa điểm phổ biến như Sapa hay Bắc Hà luôn có những tuyến xe chất lượng cao chạy vào tận nơi, ở Lào Cai có một số địa điểm hấp dẫn như Y Tý hay Lũng Pô chưa có sẵn những tuyến vận tải công cộng. Để vào được những nơi này, thường phải sử dụng phương tiện cá nhân đi từ Hà Nội hoặc đi lên Lào Cai hay Sapa rồi thuê xe máy. Các bạn có thể tham khảo bài viết Thuê xe máy tại Sapa và Thuê xe máy tại Lào Cai để có thêm thông tin.
Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng về số lượng khách, sự ra đời của các khách sạn, resort cao cấp đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch Lào Cai.
Một số khách sạn tốt ở Thành phố Lào Cai
Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt tại Lào Cai (Cập nhật 5/2024)
Nhiều sản phẩm du lịch quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp, đạt chất lượng cao đã ra đời. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đạt tiêu chuẩn cao, thay vì xu hướng đầu tư nhà nghỉ loại nhỏ, khách sạn mini như những năm trước. Sự ra đời của các khách sạn cao cấp thời gian qua đã cho thấy sự tăng trưởng của dịch vụ lưu trú trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng phục vụ khách du lịch đến tham quan lưu trú, nghỉ dưỡng tại Lào Cai.
Góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch tới những bản vùng cao của Lào Cai chính là dịch vụ lưu trú homestay, dịch vụ này đặc biệt được phát triển ở Sa Pa, nơi có đầy đủ các yếu tố tự nhiên và con người để có thể biến homestay Sapa thành một sản phẩm du lịch chủ đạo của địa phương.
Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt ở Sapa (Cập nhật 5/2024)
Cách Lào Cai khoảng 35km về hướng đi Lai Châu, Sa Pa là một trong những điểm đến thu hút được nhiều khách du lịch đến Lào Cai. Tuy hiện nay do du lịch hóa cùng với sự lộn xộn trong vấn đề quy hoạch, du lịch Sa Pa vẫn có những điểm rất hấp dẫn mà các bạn không nên bỏ qua.
Xem thêm bài viết: Các địa điểm du lịch Sa Pa
Nhà thờ cổ còn có tên là nhà thờ đá hay nhà thờ Đức Mẹ Mân côi nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Sa Pa, được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trước khi đặt những viên gạch móng đầu tiên cho công trình này, những người kiến trúc sư Pháp đã chọn lựa rất kỹ địa thế để xây dựng. Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích, cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp.
Việc chọn hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Công giáo: Đầu di tích quay về phía Đông, là hướng mặt trời mọc, hướng đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (khu Tháp chuông) là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn…đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay làm mới). Đặc biệt trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt, chưa sửa chữa lần nào.
Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000 m2, nhà thờ Sa Pa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dẫy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Dãy nhà xứ xây song song với khu nhà thờ gồm 5 gian.
Nhà thiên thần gồm: một tầng hầm, ba gian tầng trên là nơi cứu chữa người bệnh tật, người lữ hành qua đêm, khu để xác, công trình vệ sinh, bếp ăn, khu vườn thánh có hai ngôi mộ, 5 cây Kháo Vàng trên trăm tuổi, trong đó 4 cây mọc trên đá.
Khu nhà thờ gồm 7 gian rộng hơn 500 m2, phần tháp chuông cao 20 m, trong tháp có quả chuông cao 1,5 m, đúc năm 1932, nặng 500 kg, tiếng vang trong vòng bán kính gần 1km. Hiện, trên bề mặt của chuông còn rõ nét ghi đúc, số người quyên góp tiền đúc chuông…Phần giá đỡ chuông bằng gỗ pơmu vẫn giữ nguyên sau lần trùng tu.
Nhà thờ Mân côi giữa khu trung tâm Sa Pa là điểm hẹn của nhiều du khách mỗi khi có dịp đến đây. Tuy qua một số lần trùng tu, cải tạo do chiến tranh và sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên nhưng nhà thờ vẫn giữ được nét duyên dáng và hồn của công trình kiến trúc tôn giáo.
Từ khi được xây dựng đến nay, nhà thờ Sa Pa luôn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây. Ngay phía trước Nhà thờ là khu vực Sân quần và hàng thông lưu niên, nơi đây vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số mà du khách quen gọi với cái tên “chợ tình”. Với tiếng sáo, kèn lá, đàn môi dìu dặt, tha thiết và những điệu xoè chao nghiêng của những chàng trai, thiếu nữ người Mông, Dao… Cùng với hoạt động cầu nguyện diễn ra trong những ngày cuối tuần tạo cho không gian của Nhà thờ thêm lung linh, huyền ảo và có sức lôi cuốn lạ thường.
Núi Hàm Rồng là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “Hàm của rồng”. Hàm Rồng là một trong số ít các núi ở Việt Nam có yếu tố tượng hình rõ nét và đẹp.
Nằm sát thị trấn Sa Pa, cao gần 2000m, quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau; rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…
Vùng núi cao với đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng có cây lá rộng xen kẽ. Cao hơn rừng kín thường xanh ẩm á nhiệt đới với đặc điểm rừng thưa, ít tầng hệ thực vật lá kim phát triển. Với độ cao của đỉnh núi thì hầu như không còn cây cối nhiều, chỉ có lác đác trúc núi (trúc lùn) và gió bụi thổi.
Bản Cát Cát hay thôn Cát Cát là một làng dân tộc Mông thuộc xã San Sả Hồ nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 2 km. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung.Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ theo phương pháp mật tập (dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét và sinh sống, trồng trọt canh tác ngay trên những sườn đồi quần cư).
Gần nơi quần cư, họ còn trồng lúa, ngô trên các nương bậc thang hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Họ biết trồng trọt, chăn nuôi, và bảo lưu khá tốt nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh và dệt vải. Nơi đây xứng đáng được xem là điểm du lịch văn hóa vừa là du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách và là điểm du lịch văn hóa cộng đồng vệ tinh của Sa Pa.
Là một trong những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của huyện Sa Pa, Tả Phìn đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tham quan Lào Cai. Tiết trời cuối đông, con đường vào thôn Sẻ Séng (trung tâm du lịch cộng đồng của Tả Phìn) bảng lảng những tảng mây mù bao phủ, lúc ẩn lúc hiện. Xa xa thấp thoáng tầng tầng, lớp lớp dãy núi xanh trong mây, trong sương và những bản làng của người Mông cheo leo trên sườn núi cao.
Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông bắc gồm hai dân tộc Dao và H’mông cư trú. Cách trụ sở UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía Bắc có dãy núi đá vôi, một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả núi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang, chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m, mở ra một lối đi xuyên xuống đất.
Bản Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…
Lao Chải là một xã của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trong thung lũng rộng và đẹp nhất - nơi có thể nhìn thấy từ thị trấn Sa Pa hay trên đỉnh Hàm Rồng. Cách trung tâm huyện chừng 7 cây số, Lao Chải không xa nên không ít người cuốc bộ từ thị trấn đến tận bản này.
Từ thị trấn men theo đường Mường Hoa qua khỏi những phố phường nhộn nhịp và sầm uất, du khách bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống khác, đúng nghĩa của những bản làng. Vẫn theo con dốc Mường Hoa, đi trên con đường quanh co của đồi núi song song với dãy Hoàng Liên để đến Lao Chải. Đó là một bản làng khá đông đúc nằm cách đường lớn một con suối. Từ trên cao, du khách có thể quan sát những nếp nhà bình dị san sát nhau, rất đặc trưng của “phố xá” bản làng
Lao Chải nằm sâu dưới thung lũng. Bao quanh là núi và những thửa ruộng bậc thang. Ruộng ở đây được xếp hạng đẹp nhất Lào Cai và là một trong những danh thắng quốc gia. Từ bản nhìn ra xung quanh là dãy Hoàng Liên án ngữ, bên còn lại là dãy Hàm Rồng, rồi đến các tầng bậc thang trồng lúa nằm ở cấp thấp hơn. Ruộng kéo dài đến tận cửa nhà. Tưởng chừng như đó là những bậc thang nối liền Lao Chải với các ngọn núi để hòa mình vào mây lên tận trời cao.
Tầm tháng 9 trở đi, kéo dài đến tháng 4 năm sau là “mùa” của Lao Chải. Đó là lúc bản đẹp nhất. Thời điểm này, Lao Chải đang mùa thu. Những thửa ruộng bậc thang cao chót vót từ thung lũng sâu vắt lên lưng chừng trời vàng rực màu lúa chín. Mùa thu Lao Chải không chỉ có tiết thời ấm áp mà còn là mùa của lúa vàng, của tiếng gọi mời du khách.
Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, là đến với xã Tả Van. Nhiều du khách vẫn chọn phương tiện xe máy để đi, vì chỉ có đi xe máy, bạn mới có thể tận hưởng hết khung cảnh thiên nhiên cùng vô vàn những điều thú vị khác. Chỉ mất khoảng 100-120k bạn có thể thuê xe máy ngay tại Sa Pa để khám phá.
Theo tiếng của người Mông, Tả Van có nghĩa là “Vòng cung lớn”. Bản đẹp như một bức tranh, lưng tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là suối Mường Hoa trong trẻo uốn dòng. Từ Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện sang các điểm du lịch nổi tiếng khác của Lào Cai như : Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phìn…
Nhiều năm trở lại đây, Tả Van đã trở thành một trong những điểm đến cho những ai ưa khám phá, trải nghiệm. Trong không gian hùng vĩ của đất trời mây khói, Tả Van ẩn chứa nhiều “mắt nhìn” sâu thẳm - nơi mà người ta lên như để tìm thêm từng “mảnh quá khứ” của những người anh em núi cao vừa quen vừa lạ. Ở Tả Van còn sót lại tục thờ đá của người Việt cổ. Bên kia suối có khu chạm khắc đá cổ với gần 200 tảng đá to nhỏ các cỡ. Trên mỗi tảng đá khắc nhiều hình ảnh và hoa văn độc đáo của người xưa. Ngày ngày trong không gian ấy, người ta sinh sống, hoạt động, đi lên Sa Pa bán hàng thổ cẩm, đi chợ và nói chuyện cấy hái…
Cầu Mây cách thị trấn Sa Pa khoảng 7 km về phía Đông Nam, từ đường lớn, du khách đi theo con đường mới mở tuy hơi dốc và cua nhiều, nhưng đường đến Tả Van giờ đã được mở rộng rất thuận tiện.
Trước kia, đây là cây cầu duy nhất để các cư dân địa phương đi từ Xã Tả Van đến trung tâm thị trấn Sa Pa, do quá trình phong hoá nên cây cầu càng ngày càng xuống cấp. Đồng thời do sự phát triển của du lịch Sa Pa, lượng khách hiếu kỳ về một cây cầu đẹp ngày càng tăng nên người ta đã làm thêm một cây cầu mới bằng gỗ vững chãi nằm bên cạnh dành cho người dân địa phương đi lại còn cây cầu cũ thì được tu sửa lại và chỉ dành cho những du khách hiếu kỳ đến thăm quan.
Đèo Ô Quý Hồ hay đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa hai tỉnh.
Đèo Ô Quý Hồ được gọi theo tên bản Ô Quý Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D và là bản ở rìa phía tây thị trấn Sa Pa. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn hình thành do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Đèo Ô Quý Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quý Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”, một trong Tứ đại đỉnh đèo miền Bắc.
Thác Bạc là một thắng cảnh thu hút nhiều du khách thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 4D, tuyến đường huyết mạch để đến tỉnh Lai Châu và chỉ cách khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về hướng tây nên khá thuận lợi để thăm quan.
Thác Bạc có độ cao hơn 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang và đây cũng được coi là nguồn gốc tên gọi của thác. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc.
Với độ cao 3143m Fansipan là ngọn núi cao nhất Việt Nam đồng thời cũng là ngọn núi cao nhất 3 nước Đông Dương thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách Sa Pa 9km về phía Tây Nam. Theo tiếng địa phương, tên của ngọn núi là Hủa Xi Pan có nghĩa là Phiến đá khổng lồ chênh vênh
Đỉnh Fansipan hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi đông nhất.
Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan và quay trở về mất khoảng chừng 5-6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày.
Mỗi đoàn leo núi có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ngày thứ hai khi du khách lên đỉnh Fansipan, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Ở gần đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Viếc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường mưa và nhiệt độ hạ xuống rất thấp.
Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm truớc đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đường lên Fansipan đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu nở.
Với những người không có sức khỏe và thời giam, thời gian lên đến đỉnh Fansipang hiện nay chỉ còn khoảng 30 phút nhờ phương tiện cáp treo. Cáp treo sẽ đưa bạn lên tới ga cách đỉnh khoảng 600m, việc của bạn chỉ là leo nốt lên những bậc thang cuối cùng.
Cùng với những cảnh sắc thiên nhiên ban tặng như các dãy núi hùng vĩ, sông suối và hang động, con người hiền hậu mến khách, vùng đất này còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hoá dân tộc những đặc sản riêng của Miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu giữ chân khách thập phương khi đến du lịch Bắc Hà
Tuần nào cũng vậy, cứ vào Chủ nhật là chợ phiên Bắc Hà diễn ra. Người dân kéo nhau về thị trấn Bắc Hà để họp chợ với muôn vàn mặt hàng khác nhau. Phiên chợ chủ yếu là nơi trao đổi, mua bán của bà con dân tộc thiểu số thuộc các bản, làng lân cận. Tại phiên chợ Bắc Hà, bạn có thể tìm thấy những món đồ khác lạ của người dân tộc, cũng như thưởng thức đặc sản vùng cao, như thắng cố, rượu ngô, rượu thóc hay trà hoa tam thất…
Nếu có cơ hội ngắm nhìn phiên chợ từ trên cao, bạn sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp độc đáo của chợ. Những sắc màu rực rỡ trên trang phục của đồng bào các dân tộc nổi bật cả một vùng, như vườn hoa đang đua nở. Thời xa xưa, chợ phiên được mở trên một đồi thoải. Nhưng ngày nay, chợ đã được xây dựng khang trang và phân thành 4 khu vực, gồm khu bán đồ thổ cẩm; khu bán đồ tạp hóa, trang sức; khu bán gia súc và khu hàng ăn. Trong đó, tấp nập nhất phải kể đến những gian hàng bán đồ thổ cẩm và khu ăn uống tấp nập người vào ra.
Khởi công năm 1914, song đến năm 1921, dinh Vua Mèo mới được hoàn thành. Chủ nhân của dinh là cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng. Hoàng A Tưởng cũng là một thổ ti ở Bắc Hà cho đến ngày Lào Cai được giải phóng. Vì thế, ngoài cái tên dinh vua Mèo, người ta còn gọi đây là dinh Hoàng A Tưởng.
Tương truyền, dinh thự vua Mèo Hoàng A Tưởng đươc thầy Tàu về xem thế đất theo phong thủy. Dinh tọa lạc trên một quả đồi rộng ở châu Bắc Hà, nay là trung tâm thị trấn huyện Bắc Hà, phía sau và hai bên đều có núi, phía trước có một dòng suối uốn lượn và có núi thế mẹ bồng con.
Thế đất “tựa sơn đạp thủy” vững chãi, với mong muốn dòng họ được quyền quý, con cháu đời sau vinh hiển. Khu dịnh thự vua Mèo đã đạt đến trình độ thiết kế tinh xảo và nổi lên với quy mô đồ sộ tại vùng núi cao xa xôi, hùng vĩ như Bắc Hà.
Khu dinh thự vua Mèo là một kết cấu kiến trúc khá đặc biệt so với kiến trúc các dinh thự khác tại Việt Nam thời bấy giờ. Dinh vừa là nơi để ở của cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng, song cũng là nơi làm việc và còn có chức năng pháo đài bảo vệ. Toàn bộ dinh có kiến trúc hình chữ nhật liên hoàn khép kín, với tổng diện tích 4.000m2, có tường rào bảo vệ, bốn phía tường đều có lỗ châu mai như pháo đài và có lính canh giữ.
Dinh được hai kiến trúc sư người Pháp và người Trung Quốc thiết kế. Vì vậy, kiến trúc của dinh có sự hòa quyện giữa kiến trúc Pháp hồi thế kỉ 17-18 và kiến trúc phương Đông. Trong đó nổi lên là các nét kiến trúc phương Tây được thể hiện trong những chi tiết như họa tiết cành nguyệt quế đắp nổi trên các cửa vào, biểu tượng cho hạnh phúc và thịnh vượng; cửa lan can trổ ra hình vòm, cột nhà thanh thoát, lan can, cầu thang vòng, hành lang lát gạch. Kết cấu bên trong của dinh khá đẹp. Qua cửa chính, bên trong là một khu sân rộng, xưa là nơi diễn ra các hoạt động chính của nhà thổ ti. Khu nhà chính phía cuối sân, có hai tầng với diện tích 420m2, thường là nơi hội họp của gia đình.
Ngoài ra, khu dinh còn có các hạng mục khác như hai dãy nhà phụ ở hai bên, mỗi dãy nhà có hai tầng thấp hơn dãy nhà chính, gồm ba gian với diện tích 300m2. Đây là nơi sinh hoạt của các bà vợ Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Ngoài ra còn có thêm hai dãy nhà phụ hai tầng có kiến trúc đơn giản hơn dùng làm nơi ở cho quân lính, phu phen và người hầu. Dinh thự nhà họ Hoàng được xây dựng bằng đá vôi, cát, mật mía ở địa phương và ximăng, sắt thép chở từ Hà Nội và Lào Cai lên.
Dinh vua Mèo, một công trình pha trộn giữa kiến trúc của nhà cổ của người Pháp với kiến trúc phương Đông, song nổi trội hơn cả là kiến trúc phương Tây đã tạo cho dinh có vẻ đẹp riêng và nay trở thành địa chỉ du lịch không thể thiếu đối với du khách mỗi khi ghé thăm vùng cao nguyên Bắc Hà
Cách trung tâm Bắc Hà khoảng 1,5km, thung lũng hoa Thải Giàng Phố do một đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng để phát triển cùng với hình thức du lịch sinh thái.
Thải Giàng Phố mùa nào cũng có hoa nở, xuyên suốt cả 4 mùa là hoa phong lan. Bên cạnh đó, ở đây còn được trồng rất nhiều loại hoa đường phố như cẩm tú cầu, tử la lan, cát tường, dạ yến ngọc thảo… Hai loại màu gắn kết tạo nên vẻ đẹp sặc sỡ cho Thải Giàng Phố là màu tím của oải hương và màu xanh vàng tươi của các loài lan.
Vài năm trước, cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang đã gây ra một “cơn sốt” trong giới đi lại. Bắt được nhu cầu ấy, vào nửa cuối năm 2014, Lào Cai đã cho gieo trồng một khối lượng lớn tam giác mạch để làm du lịch, tại địa phận xã Lử Thẩn, huyện Simacai. Từ một vụ phổ biến tháng 10, 11, nay đã thêm một vụ tháng 4, 5.
Với lợi thế về giao thông, khách từ các điểm du lịch lân cận như Sa Pa, Bắc Hà, cửa khẩu Lào Cai đều dễ dàng tiếp cận cánh đồng tam giác mạch Lử Thẩn, điều này đã mang lại thành công về mặt kinh tế và quảng bá du lịch cho Lào Cai nói chung và cho khu vực Bắc Hà - Simacai nói riêng.
Chợ phiên Cán Cấu là một chợ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Giáy, Mông - Hoa) vùng Tây Bắc, Viêt Nam; nằm ven đường 153 - một con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Chợ thường họp vào các ngày: thứ Bảy hàng tuần, ngày lễ, tết trong năm, kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa. Đây còn là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, Việt Nam với hàng trăm con trâu được giao dịch trong mỗi phiên chợ.
Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở Si Ma Cai hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc văn hóa của các phiên chợ nơi đây, với 05 phiên chợ được tổ chức trong tuần, du khách có thể lựa chọn địa điểm đến của từng phiên chợ để tham quan, giao lưu, mua bán, tìm hiểu về ẩm thực và những nét đẹp văn hóa của người vùng cao: Chợ Sín Chéng - xã Sín Chéng họp vào thứ 4 hàng tuần; Chợ Cốc Cù - xã Bản Mế họp vào thứ 5 hàng tuần; Chợ Lù Dì Sán - xã Sán Chải họp vào thứ 6 hàng tuần; Chợ Cán Cấu - xã Cán Cấu họp vào thứ 7 hàng tuần; chợ trung tâm huyện Si Ma Cai - xã Si Ma Cai họp vào chủ nhật hàng tuần.
Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, đường phân thủy của suối Lũng Pô là biên giới hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên sông Hồng.
Từ đây, sông chảy miệt mài qua miền Việt Bắc, qua trung du rừng cọ đồi chè rồi mang phù sa bồi đắp nên châu thổ sông Hồng phì nhiêu màu mỡ.
Không là điểm cực bắc như Lũng Cú (Hà Giang), không là điểm cực tây như A Pa Chải (Điện Biên), không là Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) - nơi đặt nét bút để vẽ nên hình chữ S của tấm bản đồ nước Việt; Lũng Pô, không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông mẹ (sông Cái - sông Hồng) chảy vào nước Việt mà còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn mà nếu không lên tới đây sẽ khó hình dung được.
Tại hạ lưu của suối Lũng Pô nơi giao với điểm đầu tiên của dòng sông Hồng cũng chính là nơi đặt cột mốc biên giới số 92, từ đây dòng sông Hồng sẽ chảy qua 9 tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định) sông Hồng đổ ra biển tại cửa chính Ba Lạt.
Cũng trên đường từ Bát Xát đi vào Y Tý, các bạn còn có thể gặp rất nhiều mốc dọc đường đi như các mốc 96, 95, 94, 93 và mốc 87 nằm ở cầu Thiên Sinh trong Y Tý.
Người ở Bát Xát (Lào Cai) hay nói “Dốc A Lù - sương mù Ý Tý”, câu nói vừa khiến người lữ hành tò mò vừa như một cái níu chân đầy ngập ngừng và e ngại.
A Lù là một trong những xã nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo suối Lũng Pô, thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Dù bạn đến A Lù theo hướng nào, từ Ý Tý, Ngải Thầu lại hay từ Lũng Pô, A Mú Sung sang cũng vất vả, nhọc nhằn chả kém gì nhau. Đường đèo cao, vực sâu, sạt đường mấy năm chưa tu sửa, đá sỏi gập ghềnh, vừa chạy xe vừa căng người ra chuẩn bị tinh thần… ngã. Nhưng đã lên đến Bát Xát, nhất định phải đặt chân trên đất A Lù.
Cũng như nhiều xã vùng cao Bát Xát, địa hình A Lù bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, thấp dần từ đông nam sang tây bắc, giao thông trong vùng vô cùng khó khăn, cách trở. Nhưng cũng chính điều này đã mang lại cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Bà con người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá sống rải rác trên lưng núi, canh tác ruộng bậc thang khắp nơi. Vào mùa vụ, từ trên cao nhìn xuống A Lù trông như một bức tranh vẽ.
Do nằm trên độ cao từ 700-1.000m so với mặt nước biển, lúa A Lù chỉ cấy một vụ, bà con phải chắt chiu từng thửa đất để trồng cây lương thực, thảo quả, trồng lúa, chỗ nào không dắt được nước thì gieo lúa nương. Những yếu tố tự nhiên và con người đó đã làm nên một điểm đến A Lù óng ả và phiêu bồng, đặc biệt vào mùa lúa chín cuối tháng 9 đầu tháng 10 hằng năm.
Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây.
Y Tý là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai sau Sa Pa và Bắc Hà. Trước đây đường vào Y Tý vô cùng khó khăn do đường nhỏ, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nắm được thế mạnh của Y Tý nên Lào Cai cũng đã tiến hành nâng cấp và sửa chữa tuyến đường vào xã, nếu không sạt lở thì ô tô có thể di chuyển thoải mái.
Đến với Y Tý các bạn có thể chọn một trong hai mùa, mùa săn mây vào khoảng tháng 3-4 hàng năm và mùa lúa chín vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm. Đây là thời điểm thích hợp nhất để đi Y Tý.
Chợ Mường Hum nằm ở trung tâm xã Mường Hum, huyện Bát Xát, họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ bản làng vùng cao các xã Mường Vi, Dền Sáng, Y Tý… đổ về chợ như đi hội. Đồng bào nơi đây đi bộ, đi ngựa, mang vác hàng hóa đến chợ để trao đổi, mua bán. Nhiều người khoác trang phục lộng lẫy đầy màu sắc của dân tộc mình. Đến chợ Mường Hum, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản của người dân các dân tộc Mông, Dao, Giáy…
Mặc dù ở gần khu dân cư, được phát hiện từ lâu, nhưng suối nước nóng Bản Mạc vẫn còn hoang sơ, được người dân khơi rộng và ngăn lại bằng những hòn đá lớn, đủ khoảng 10 - 15 người tắm. Suối nước nóng chủ yếu phục vụ người dân xã Trịnh Tường và các xã lân cận, do đó, các dịch vụ du lịch ở đây hầu như không có. Đường vào khu vực suối nước nóng là đường mòn, xe máy chỉ đi được vào những ngày nắng, nên việc di chuyển tương đối khó khăn. Du khách ở các huyện khác khi đến tắm suối nước nóng thường chủ động thức ăn, nước uống và liên hệ chỗ nghỉ ở trung tâm xã Trịnh Tường hoặc tìm nhà nghỉ ở thị trấn Bát Xát.
Chợ nằm cách thành phố Lào Cai chừng gần 50km, ngay tại trung tâm huyện Mường Khương. Chợ phiên chỉ họp một lần mỗi tuần, vào các ngày chủ nhật.
Nét độc đáo hiếm có ở phiên chợ Mường Khương là khu chợ ngựa, và nhất là ở góc chợ chim. Chợ chim họa mi Mường Khương đã nức tiếng xa gần. Người chơi chim họa mi từ các nơi đổ về đây “săn chim” mỗi ngày phiên. Nằm ở rìa ngoài khu chợ, khu bán chim hoạ mi luôn đông đúc và sôi động. Hàng trăm người, già có, trẻ có, bỏ ra hàng giờ chăm chú, ngắm nghía từng chú chim. Chim mới bẫy được nhốt chung vào một lồng, còn lại mỗi con có một “nhà” riêng. Chợ chim Mường Khương là nơi mua, bán, trao đổi và chọi chim hoạ mi. Du khách đến đây ai cũng ghé lại rất lâu ở góc chợ độc đáo này.
Cửa khẩu Mường Khương hay cửa khẩu Tung Chung Phố là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất thị trấn Mường Khương và xã Tung Chung Phố huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Cửa khẩu Mường Khương ở điểm cuối quốc lộ 4D, thông thương sang cửa khẩu Kiều Đầu ở thị trấn Vân Sơn huyện Mã Quan tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Cách thị trấn Mường Khương hơn 20 km về phía Tây Bắc, Cao Sơn được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ xen với những ngôi làng cổ và vốn văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Mông, Nùng.
Đến với Cao Sơn ngoài được tận hưởng khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên, còn được tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đặc biệt là cộng đồng người Mông hiện nay còn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống như: Thêu, dệt thổ cẩm, rèn, đan mây tre, nấu rượu, hoàn toàn sử dụng nguyên liệu truyền thống từ thiên nhiên, nên đã tạo cho địa phương một tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống phong phú và hấp dẫn.
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam cùng với Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Nếu như cửa khẩu ở Quảng Ninh và Lạng Sơn tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây - địa phương có nền kinh tế phát triển, hàng hóa xuất sang đỏi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao thì Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai lại có lợi thế tiếp giáp với vùng Tây Nam của Trung Quốc - một khu vực rộng lớn với thị trường dễ tính hơn.
Cửa khẩu Quốc Tế Lào Cai cũng là nơi mà nhiều du khách khi đến du lịch Lào Cai đưa vào danh mục các điểm đến yêu thích. Các bạn có thể làm thủ tục xin cấp giấy thông hành để qua Hà Khẩu (Trung Quốc) chơi với thủ tục nhanh gọn và chi phí hợp lý.
Thị trấn vùng biên giáp với Lào Cai bên mình. Nói thẳng ra thì bên đó chả có cái gì, đầy người Việt Nam và vô vàn sự lừa đảo. Nếu các bạn tò mò muốn sang thì mang theo vài ảnh 4×6 và mất chút phí để làm giấy thông hành (khoảng vài tiếng đến nửa ngày, tùy vào mức độ phí) là có thể qua được. Sang bên đấy vẫn tiêu được cả tiền VND, nhưng các bạn không nên mua gì hay ăn uống gì bên đó nếu không biết rõ (nên có bạn bè đi nhiều dẫn đi hoặc có người biết tiếng Trung) để tránh mua bực vào người.
Cách biên giới Việt - Trung chưa đầy 1km, chợ Cốc Lếu được xem là trung tâm mua sắm sầm uất của thành phố Lào Cai. Nói chung, đến đây các bạn có thể xem qua cho biết hoặc nếu thích mua thì ở chợ này cũng có bất cứ thứ gì mà bạn cần. Tất nhiên, toàn đồ Tàu nên chất lượng thì khỏi bàn nha.
Phìn Hồ cách thành phố Lào Cai gần 40 km về phía Đông Nam, có độ cao 1.700 m so với mực nước biển, nằm lưng dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Ở nơi đây, người dân Phìn Hồ vẫn giữ được rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dưới tán rừng thâm u là nương thảo quả thơm nức mỗi mùa thu hoạch. Ngay bìa rừng là những vườn lê Tai nung, mận trĩu quả, đồi chè mượt mà như tấm thảm.
Để tới thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, du khách phải men theo thung lũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với làn suối trong vắt, hai bên lưng thung là sóng lúa bậc thang. Cùng với thôn Phìn Hồ Thầu, Ú Sì Sung, Phìn Hồ được coi là “Sa Pa” của thành phố Lào Cai bởi cảnh đẹp hấp dẫn và khí hậu lý tưởng.
Lào Cai là một trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc có đường biên với Trung Quốc. Tổng chiều dài đường biên gần 200km với 128 mốc. Tất cả những mốc biên giới này đều là những tấm bia chủ quyền đánh dấu lãnh thổ Tổ Quốc. Đây cũng là một trong các địa điểm được các bạn trẻ yêu thích mốc quan tâm và tìm mọi cách có được những bức ảnh bổ sung vào bộ sưu tập của mình.
Một mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất nổi tiếng ở Lào Cai đó là mốc 92 ở Lũng Pô. Mốc nằm ở ngã 3 sông, nơi bắt nguồn của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ trên cao, dòng nước đổ xuống như dải lụa ở lưng trời. Dòng nước dội xuống va vào vách đá tạo thành bụi nước và lớp sương mù mờ ảo càng làm cho khung cảnh thêm thơ mộng. Ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, nhắm mắt để cảm nhận âm thanh của núi rừng, chúng tôi như cảm thấy mọi mệt nhọc dần tan biến.
Bao quanh khu vực thác Bay là rừng nguyên sinh Liêm Phú thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, nơi được đánh giá đa dạng về thành phần loài và đặc trưng cho hệ động thực vật Tây Bắc, điển hình là các loài thực vật quý hiếm như pơ mu, thông nàng, sến mật, giổi găng… Theo tài liệu của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, tại đây đã phát hiện hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật, trong đó có nhiều loài lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam.
Đền Bảo Hà - ngôi đền linh thiêng nổi tiếng thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786 ). Ghi nhớ công đức to lớn của tướng Nguyễn Hoàng Bảy, từ rất sớm, nhân dân ta đã lập đền thờ ông. Điểm đặt đền thờ ông Hoàng Bảy là một khu đất đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng nước sông Hồng, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cách ga đường sắt Bảo Hà khoảng 1km.
Đền Cô Đôi Cam Đường ở thôn Chiềng On, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai. Với sự tích đền Đôi Cô Cam Đường được người dân truyền lại cho nhau nghe truyền thuyết rất lạ, ngôi đền Cô Đôi Cam Đường còn có tên khác là Cô Đôi Cam Đường. Theo các chuyên gia trong sự tích miếu hai cô ở Cam Đường rằng khi xưa, Lào Cai là vùng đất của trao đổi, buôn bán các mặt hàng nên được nhiều người đến, hồi đó có hai người con gái trẻ với độ tuổi chỉ đôi mươi, quê ở Đình Bảng Bắc Ninh lên để bán vải. Hai cô thường xuyên đến làng Chiềng On để bán hàng, từ đó tình cảm giữa dân làng và hai cô càng thân thiết nhưng cho đến thời gian dài không thấy hai cô tới đây nữa, cho đến khi người dân làng Chiềng phát hiện thấy xác của cả hai cô trôi về làng.
Chính người dân đã lập miếu thờ cho cả hai cô, từ sự thành tâm thì dân làng nơi đây làm ăn rất tốt, phát đạt. Đã có rất nhiều người đền thờ Cô Đôi Cam Đường để cầu xin sự buôn may, bán đắt trong công việc, làm ăn của bản thân.
Đền Thượng ở Lào Cai còn gọi là Thánh Trần Từ nằm trên địa bàn phường Lào Cai thuộc Tp Lào Cai. Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tọa lạc trên núi Mai Lĩnh trên độ cao 120m so với mực nước biển. Đền Thượng là nơi từng được Trần Quốc Tuấn đã chọn làm nơi hỏa hiệu cho quân đội chống giặc phương bắc.
Đền Mẫu Lào Cai tọa lạc tại cộc mốc biên giới số 102 giữa Việt Nam và Trung Quốc, gần Cửa khẩu quốc Lào Cai; xưa thuộc phố Bảo Thắng, Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa; nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, Việt Nam.
Đền Mẫu Lào Cai được nhân dân vùng cửa ải Lê Hoa thuộc phố Bảo Thắng xưa, xây dựng từ thế kỷ 18. Ban đầu, đền chỉ là một ngôi thờ nhỏ bên bờ sông Hồng và sông Nậm Thi; qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi đền hiện nay đã khang trang với 9 gian thờ.
Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, ngôi đền đã được ban sắc phong ba lần. Năm 2011, ngôi đền đã được ngành chức năng xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Vị thần được thờ chính ở đây là Liễu Hạnh công chúa. Ngoài ra, còn phối thờ các vị thần thánh khác, như: Ngọc Hoàng Thượng đế, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, Quan lớn Thủ Đền, bà Đệ Nhị Sơn Trang, v.v… Các pho tượng thờ ở trong đền đều được sơn son thiếp vàng, và đều mang dáng vẻ uy nghi.
Lễ chính trong năm là lễ tế Mẫu đệ Nhất Liễu Hạnh được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là “Hủa Xi Pan” và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
Bạch Mộc Lương Tử là một ngọn núi thuộc dãy Ki Quan San (cũng có thông tin cho rằng cái tên Bạch Mộc Lương Tử xuất phát từ Bạch Mộc Lương, một dãy núi nằm sát biên giới Việt Nam Trung Quốc). Dãy núi này là ranh giới tự nhiên giữa 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai).
Đây là đỉnh núi cao thứ 4 ở Việt Nam (tạm xếp) sau các đỉnh Fansipang, Putaleng, Pusilung. Với đường Lào Cai, tổng quãng đường từ chân núi lên đến đỉnh vào khoảng 14km, thời gian cần thiết để đi vào khoảng 3 ngày 2 đêm. Trên đường lên đến điểm cao nhất của đỉnh núi các bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi ở lán 2100m đồng thời săn mây tại đỉnh núi Muối ngay gần đó.
Xem thêm bài viết: Hướng dẫn chinh phục Bạch Mộc Lương Tử
Nằm trên độ cao 2.826 m, đỉnh Lảo Thẩn được xem như nóc nhà của Y Tý, thuộc địa phận xã Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà dân địa phương ở đây thường gọi khi nhắc tới đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững giữa mây trời. Ngoài ra có người còn gọi là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San.
Không nổi tiếng, hùng vĩ như Phan Xi Păng, nhưng vẻ hoang sơ, với những cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, núi Nhìu Cồ San có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các bạn yêu trekking.
Núi Nhìu Cồ San nằm ở hướng Tây Bắc bản Nhìu Cồ San thuộc địa phận xã Sàng Ma Sáo - huyện Bát Xát và là một trong 2 đỉnh núi cao nhất khu vực này. Nhìu Cồ San là dãy núi thuộc hệ thống núi Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ Lai Châu sang Bát Xát - Lào Cai, có đỉnh cao hơn 2600m so với mực nước biển.
Ngũ Chỉ Sơn được mệnh danh là dãy núi đẹp nhất miền Tây Bắc, thuộc xã Tả Giàng Phình, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, và là ranh giới của tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Với độ cao khoảng 2.800 m, 5 ngọn núi như 5 ngón tay hướng lên bầu trời, Ngũ Chỉ Sơn là thách thức không chỉ với những người yêu thích leo núi, mà cả những người dân nơi đây.
Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Sa Pa đang trở thành một “thương hiệu” rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng “Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa”. Không phải chỉ ở Sa Pa mới có các món đồ nướng, thế nhưng có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sa Pa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt, không có bất cứ ở một địa phương nào. Dường như ở nơi đất trời và núi rừng đều vời vợi cao này, mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng thẩm thấu được tinh hoa của đất trời, khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị thơm ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.
Món cải mầm đá không được bán nhiều tại thị trấn sương mù này vì loại hiếm, mọc trên đỉnh núi đá cao và chỉ phát triển vào mùa lạnh. Vào cuối năm, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch là mùa cải mầm đá, món ngon không phải ai cũng biết nhưng đã một lần thưởng thức sẽ muốn ăn thêm và mua về.
Cách chế biến cải mầm đá phổ biến nhất là luộc, nhưng thực ra chỉ cần nhúng sơ qua là các ngồng cải đã có thể ăn được. Cải mầm đá có thể chấm với nước mắm trứng hoặc với vừng lạc. Đây là cách chế biến quen thuộc của những người thích thưởng thức hương vị thuần khiết nhất của món cải.
Nhưng xào cải mầm đá mới được nhiều người ưa chuộng, nhất là xào với thịt trâu. Khi luộc, vị ngọt của cải tiết ra nước, nhưng khi xào, vị ngọt ấy ngấm ngược vào thịt trâu. Khi xào chỉ cần tuân thủ theo lối ăn “sần sật, giòn giòn chín tới” của cải mầm đá là đã có một món ăn thật tuyệt. Vì vậy, khi xào lửa phải vừa, tay đảo nhanh, liên tục. Cải mầm đá đặc biệt xào với mỡ lợn ngon hơn hẳn với dầu ăn. Miếng cải xanh non bóng mỡ, ăn không ngấy ngán mà ngọt lịm, càng ăn càng thích thú.
Gà đen là một giống gà quý hiếm, đặc điểm nổi bật của giống gà này là thịt, xương có màu đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt gà đen, xương đen, không những có tác dụng tăng cường sinh lực mà còn có hương vị và có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa bệnh tim mạch. Gà đen khi ăn thịt thơm ngọt là đặc sản nổi tiếng của Sa Pa.
Dù được nuôi ở nhiều nơi nhưng đến nay trại nuôi cá hồi Sapa vẫn là đơn vị thành công nhất. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã có dịp khám phá, tìm hiểu về quy trình nuôi cá hồi, được tận mắt ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội ngay dưới chân Thác Bạc. Sự có mặt của những chú cá hồi vân giữa núi rừng Tây Bắc khiến cho sản phẩm du lịch Sapa trở nên hấp dẫn hơn, đa dạng hơn. Trại nuôi cá ngay dưới chân Thác Bạc là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất, bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Phan Xi Păng nên rất tiện dừng chân.
Ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, những chú cá hồi vân có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ được chăm sóc rất “chu đáo” trong những cái ao nhân tạo. Đặc điểm sinh tồn của cá hồi vân là sống trong môi trường “nước động”, nhiệt độ thấp dưới 15 độ nên toàn bộ nước trong các ao đều được dẫn bởi 1.000m đường ống từ Thác Bạc về trại cá.
Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Sapa. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, cá hồi Sapa có thớ săn, không có mỡ, chất lượng không thua kém cá hồi nhập khẩu, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…
Cây cải Mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải Mèo loại nhỏ, lá có lông ăn ngon hơn. Trước đây, đồng bào chỉ quen trồng cải Mèo để ăn chứ không bán nên chẳng chú trọng gì. Thường thì người dân địa phương không trồng thành hàng, thành luống mà chỉ quãi hạt ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.
Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.
Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 - 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, với những năm thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa sẽ muộn hơn so với những năm bình thường.
Phở truyền thống Bắc Hà gồm có phở chua, phở trộn và phở chan với nhiều nguyên liệu dùng chung, trong đó, phở chua nổi tiếng hơn cả và hầu như không “đụng hàng” ở bất kỳ đâu. Bánh phở đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn không thể lẫn giữa Bắc Hà với các địa phương khác. Bánh phở ở đây không có màu trắng như thường thấy mà hơi nâu nâu, do được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình.
Với phở chua, yếu tố quyết định vị ngon chính là nước chua. Theo truyền thống, nước chua được làm từ việc ngâm, trộn rau cải với nước đường và chắt lọc được nước chua. Đây là cả một quy trình khắt khe, mà chất lượng của nước chua phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người làm. Ngày nay, nước chua được làm đơn giản hơn với nước giấm hoa quả nấu theo tỷ lệ nhất định.
Một bát phở chua gồm có bánh phở mới tráng còn ấm nóng, thịt lợn xá xíu, rau sống thái nhỏ, lạc và cuối cùng chan một ít nước chua. Trước khi ăn, bạn nên bỏ thêm một ít muối hạt vì phở chua sẽ hơi nhạt so với khẩu vị chung của mọi người. Phở chua phải ăn lạnh mới ngon, nên thích hợp ăn vào mùa hè. Mùa đông đến Bắc Hà bạn có thể gặp khó khăn khi muốn tìm món này vì nhiều hàng không bán phở chua.
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông, về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú. Tuy nhiên chỉ từ khi du lịch Bắc Hà phát triển mới được nhiều du khách biết tới.
Ngày xưa cách chế biến thắng cố tương đối khác so với ngày nay. Xưa kia tất cả thịt và nội tạng ngựa được làm sạch sẽ rồi cho vào chảo luộc chín, thái vuông. Sau đó người ta cho thịt vào chảo rồi cho các loại gia vị vào. Tiết ngựa cũng được luộc chín đặt lên bên trên nồi thịt rồi cho nước xâm xấp vào hầm nhừ.
Ngày nay sau khi mổ ngựa, làm sạch sẽ, tất cả thịt và lục phủ ngũ tạng của con ngựa sẽ được ướp gia vị. Thời gian ướp khoảng 15-30 phút là được. Gia vị truyền thống để chế biến gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ. Sau khi xào chín cho nước vào hầm nhừ.
Khi ăn thắng cố, chảo thịt vẫn đặt trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, có thể cho thêm ớt xào Bắc Hà vào để thêm vị cay. Nhấp chén rượu ngô Bản Phố cay nồng, gắp miếng thịt ngựa đã được hầm nhừ cho vào miệng, vị ngọt mềm của thịt ngựa kết hợp vị cay của ớt Bắc Hà, vi thơm ngai ngái của gia vị thắng cố sẽ tạo nên một mùi vị rất đặc trưng mà không món ăn nào có được.
Cốm Bắc Hà được làm từ loại thóc nếp được trồng trên nương đồi núi cao biệt lập cách xa lúa tẻ dùng làm cốm nếp có hương vị thơm ngon núi rừng. Cùng với nghề làm cốm truyền thống của người Tày Bắc Hà càng làm thêm hương vị món cốm ngon hơn. Đặc biệt cốm Bắc Hà không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản. Cốm ăn trực tiếp, ăn với quả chuối hoặc chế biến thành chè cốm, bánh cốm, chả cốm, cháo cốm….tùy khẩu vị.
Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô háp người ta quen gọi là mèn mén.
Quả táo mèo hay người dân vùng cao còn gọi là quả sơn tra vốn từ lâu đã nổi tiếng với du khách Tây Bắc. Nếu nói đến táo mèo người ta sẽ nhớ nhiều đến Trạm Tấu hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, nếu nhắc tới rượu táo mèo thì có lẽ phải nghĩ ngay tới Sapa.
Để làm rượu chua chát, từng quả táo mèo được rửa sạch, trải qua những bước ngâm khác nhau tùy từng gia đình. Có nhà cẩn thận bổ đôi quả sơn tra, ngâm muối cho bớt nhựa quả, nhưng cũng có nhà lại để nguyên quả đảo qua đường cho nhựa ra nhiều rồi cho vào bình thủy tinh hoặc hũ ngâm rượu. Qua 6 đến 8 tháng rượu mới đạt đủ độ và cho ra một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.
Ở các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc nước ta, đâu cũng thấy cây mận, mận Lào Cai, Lạng Sơn có màu hồng đỏ, mận Bắc Hà có vỏ màu xanh, mỗi loại mận đều có hương vị riêng và sắc màu khác nhau, song giống mận ngon nhất, đẹp mã nhất vẫn là giống mận trồng ở đất Bắc Hà. Từ tháng giêng âm lịch, cả thung lũng Bắc Hà với diện tích rộng 30km2 nở trắng hoa mận, đất trời Bắc Hà như trong huyền thoại. Qua Cổng trời, người và ngựa cứ bồng bềnh như trôi trong mây trắng. Khác với mận Lạng Sơn khi chín quả mới đỏ, mận hậu Bắc Hà không biến đổi màu vỏ ngoài, quan sát kỹ mới nhận ra lúc thu hái quả mận hơi ngả sang màu vàng nhạt. Trông cứ tưởng quả xanh nhưng khi bổ đôi, ruột quả mận mới phô sắc vàng. Điều khác biệt giữa mận Bắc Hà với các giống mận khác, có lẽ là độ róc hột. Ngoài ra, vị ngọt của mận hậu làm cho người ăn sau khi nuốt xong miếng cuối khá lâu mà như vẫn còn miếng mận trong miệng. Có lẽ vì thế mà người ta đặt tên nó là mậu hậu.
Rượu ngô Bản Phố hay còn gọi là rượu ngô Bắc Hà là một thứ rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Cùng với rượu Táo Mèo và rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố là các danh tửu của Lào Cai. Rượu Bản Phố có màu trong như nước suối, lúc mới uống nghe hương vị thơm nồng, sau đó là cảm giác êm dịu. Rượu ngô nơi đây say lâu nhưng không làm người ta ngu muội mà cảm giác vẫn sảng khoái.
Rượu ngô Bản Phố nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Rượu ngô Bản Phố hương thơm thì nồng nàn, quyến rũ, uống vào không gắt, không chua. Ngô dùng nấu rượu Bản Phố không phải trồng ở nương rẫy hoặc thung lũng, mà ở trên núi đá cao heo hút, đặc biệt là giống ngô vàng trồng ở xã Lùng Phình (Bắc Hà) cho ra nhiều rượu có hương thơm nồng rất ngon. Loại ngô này cho bắp chắc, vàng, năng suất không cao, bù lại hạt mềm, bùi và rất giàu dinh dưỡng.
Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản để nấu rượu dần. Bí quyết tạo nên sự khác biệt của rượu ngô Bản Phố với các loại rượu khác là lên men bằng bột bông của cây “pa”, còn gọi là cây Hồng Mi. Người H’Mong dùng hạt này đem xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi, nhào thật nhuyễn, nắm thành quả đặt trên rơm và phơi ở nơi ít nắng, thoáng gió đến khi những quả men khô, chuyển thành màu trắng y như chiếc bánh bao thì mang bỏ vào thúng, rổ để lên gác bếp bảo quản để dùng dần.
Người Mông nơi đây cho rằng uống rượu Bản Phố vào buổi sáng sẽ có thêm sức mạnh, tựa như có một vị thần dũng mãnh hỗ trợ làm việc đồng áng suốt ngày không cảm thấy mệt mỏi. Nếu uống vào buổi tối, cùng với bằng hữu, rượu như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mọi người trào dâng lời hay, ý đẹp, nói lên được những điều mới mẻ, ý nghĩa thấm sâu và hào hứng mà những lúc khác không có rượu chưa nói được
Rượu Sim San là đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, được bà con người Dao đỏ trưng cất trên độ cao 2000m tại thôn Sim San xã Ý Tý, Bát Xát.
Được người dân gọi là Hà Sin Cô hay Hoàng Sin Cô, loại củ này có hình dáng bên ngoài rất giống củ khoai lang, nhưng bên trong lại có màu vàng nhạt, nhiều nước, vị giòn, ngọt nhẹ, thanh mát. Củ sau khi gọt vỏ có thể ăn sống.
Khi những cơn mưa đầu tiên xuất hiện xóa đi những ngày lạnh giá, để đón một mùa hè mới bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà nấm rừng bắt đầu vào mùa. Ở Y Tý, mùa này (tháng 4-5) hay có nhất vẫn là nấm hương, thi thoảng cũng có nấm sò, nấm thông, hoặc một số loại nấm khác. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, sau mỗi đợt mưa nấm lại mọc nhiều, đó cũng là lúc bà con rủ nhau lên rừng tìm nấm. Nếu đúng thời điểm này bạn đang đi săn mây Y Tý, hãy để ý những quầy hàng ven đường của bà con nhé, rất dễ mua được một vài dây nấm hương rừng rất ngon đấy.
Ở Lào Cai lại có một dân tộc sản xuất Bia thủ công truyền thống đặc biệt ngon đó là dân tộc Hà Nhì thuộc xã “Y Tý” Bát Xát, đến với người Hà Nhì chúng ta sẽ thấy nhà nào cũng biết nấu bia, ủ bia để dùng cho những dịp lễ, tết và mời khách quý.
Bia của người Hà Nhì làm từ gạo nếp. Công đoạn ủ bia thì quả là cầu kỳ và độc đáo. Để có được hũ bia ngon, mùi thơm đặc trưng thì điều quan trọng nhất đó là phải chọn được loại gạo nếp ruộng phơi đủ nắng, hạt đều và có mùi thơm. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Khi xôi chín, người ta rải xôi ra mẹt và để nguội. Để từng hạt xôi ngấm đều men người ta dùng nước đun sôi để nguội vẩy lên mẹt xôi cho từng hạt tơi ra, không dính vào nhau. Ngoài gạo ra thì men là cũng là yếu tố quan trọng để làm bia ngon. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men trộn đều và cho xôi vào hũ sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, phần cơm xôi đó sẽ lên men, tiết ra nước, phần cái nổi lên trên và phần dưới là nước cốt. Nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Lúc này, sẽ chế thêm nước sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ, đủ 15 ngày sẽ cho ra sản phẩm bia. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sẽ sang vàng và uống càng ngon.
Lạp xưởng này đặc biệt ở chỗ được chế biến bằng thịt của giống lợn đen nổi tiếng, thịt rất thơm và ngọt. Quy trình chế biến cũng không hề đơn giản. Để lạp xưởng ngon, người ta phải lựa chọn loại thịt có lẫn mỡ và lạc để không khô và cũng không ngấy khi thưởng thức. Sau đó lạp xưởng được phơi khô khoảng ba nắng rồi mới treo lên gác bếp. Khói và hơi nóng của bếp lửa qua từng ngày làm cho miếng thịt săn hơn và thơm ngon kì lạ.
Dứa Bản Lầu là loại dứa chỉ có ở Mường Khương. Đến đây bạn sẽ cảm thấy như lạc vào cánh đồng dứa bát ngát vô tận và khó có thể cưỡng lại cái mùi thơm lừng. Dứa thường có 2 mùa là xuân hè và thu đông. Quả dứa to, mắt căng có vị ngọt sắc, thơm ngon. Đặc biệt với thời tiết càng nhiều nắng dứa càng ngon, quả khô và tích mật.
Dù chỉ là một trong những món giản dị nhưng lại rất phổ biến và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của đồng bào dân tộc nơi đây, do đó tương ớt Mường Khương được nhiều du khách phương xa biết đến bởi cái hương vị cay cay, thơm thơm, thưởng thức một lần là nhanh chóng “bị nghiện” và không bao giờ quên được hương vị đậm đà, đặc sắc của món tương này.
Nếu Bắc Hà nổi tiếng với rượu Bản Phố thì Si Ma Cai có rượu Mản Thẩn, Sín Chéng làm say lòng thực khách. Nguyên liệu nấu rượu chủ yếu từ ngô bản địa, kết hợp với men Hồng My và nguồn nước tự nhiên của xã Mản Thẩn, Si Ma Cai, Lào Cai. Đặc biệt, khi chưng cất có cả râu ngô nên rượu Mản Thẩn không gây tác hại tới hệ thần kinh, uống không nhức đầu.
Đã từ lâu, giống vịt Sín Chéng đã thành thương hiệu gắn liền với mảnh đất Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Vịt Sín Chéng vừa là đặc sản, vừa mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững thoát nghèo cho bà con trên vùng cao nguyên đá.
Ưu điểm của vịt Sín Chéng là trọng lượng lớn, thịt ngọt, quả trứng to, tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên nguồn cầu lớn nhưng cung vẫn chưa thể đáp ứng, bởi những khó khăn trong việc chăn nuôi và phát triển đàn vịt quý này.
Năm 2012, Viện chăn nuôi Quốc gia đã quyết định đưa giống vịt Sín Chéng vào danh sách cần bảo tồn nguồn gen để nhân giống phát triển đàn gia cầm quốc gia. Năm 2013 vịt Sín Chéng được công nhận thương hiệu, trở thành đặc sản của vùng cao này.
Dưới đây là tổng hợp một số lịch trình du lịch tới các địa điểm nổi tiếng của Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý. Lịch trình cũng kết hợp du lịch tới một số địa điểm mà có thể lập thành một cung đường như Mộc Châu, Mù Cang Chải, Sìn Hồ. Các bạn có thể tham khảo và điều chỉnh lại cho phù hợp.
Ngày 1 : Hà Nội - Sa Pa - Hà Nội
Đi xe đêm hôm trước thì sáng sớm các bạn có mặt ở Sa Pa, gửi đồ tại khách sạn rồi hành trang gọn nhẹ đi bộ xuống bản Cát Cát, dọc đường xuống có rất nhiều quán cafe có view đẹp các bạn có thể ngồi. Heaven là một trong những quán đó.
Khi từ Cát Cát lên xong thì các bạn leo núi Hàm Rồng, trên núi có các vườn hoa rất đẹp, nhớ mua vé từ dưới chân núi. Trưa xuống nghỉ ngơi, ăn uống rồi về nhận phòng.
Chiều có thể đi Fansipang bằng cáp treo
Ngày 2 : Sa Pa - Ô Quý Hồ - Sa Pa
Thuê xe máy đi thăm Thác Bạc, Thác Tình Yêu. Đi xe máy lên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của dân phượt miền Bắc nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Ăn trưa trên đường. Chiều về đi thăm thung lũng Mường Hoa, Cầu Mây, bãi đá cổ Sa Pa, bản Tả Van, bản Giàng Tả Chải
Tối đi dạo quanh thị trấn
Ngày 3 : Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội
Thuê xe máy đi thăm bản Tả Phìn, tuyến du lịch cộng đồng được yêu thích. Thăm tu viện cổ Tả Phìn. Chiều về trả xe máy, tắm lá thuốc người Dao.
Tối lên xe trở về Hà Nội
Lịch trình này phù hợp vào khoảng tháng 9 là mùa lúa ở Y Tý, Sa Pa. Với lịch trình này các bạn cần mang theo xe máy từ Hà Nội, chạy 1 chiều và gửi tàu về 1 chiều.
Ngày 1: Hà Nội - Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà - Sa Pa
Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng, đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa.
Khoảng trưa khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Tối ngủ Sa Pa
Ngày 3: Sa Pa - Mường Hum - Y Tý
Sáng dậy uống cafe ở Sa Pa rồi khởi hành từ Sa Pa đi theo hướng Ô Quy Hồ vào Mường Hum rồi từ đây vào Y Tý. Nếu ngày 3 này vào chủ nhật, các bạn có cơ hội dự chợ phiên Mường Hum.
Tối ngủ Y Tý.
Ngày 4: Y Tý - A Lù - Bát Xát - Lào Cai
Ngày cuối cùng này chạy theo một trong những đoạn đường có ruộng bậc thang đẹp nhất ở Y Tý, đi ngược về Bát Xát, trên đường sẽ đi qua Lũng Pô và mốc 92, nơi sông Hồng đổ vào Việt Nam.
Về Lào Cai mua vé tàu và gửi xe máy về Hà Nội
Đây là lịch trình đi qua 2 địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai, vòng sang đất Lai Châu rồi tiếp tục ghé qua thung lũng Mộc Châu, trên đường về Hà Nội nghỉ ngơi tại Mai Châu
Ngày 1: Hà Nội - Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà - Lào Cai - Sa Pa
Sáng dậy sớm đi chợ Bắc Hà, chơi bời quanh thị trấn rồi xuất phát đi Sa Pa. Từ Bắc Hà về Sa Pa chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, các bạn xuất phát buổi sáng sau khi đi chợ thì khoảng trưa bạn có mặt ở Sa Pa, dành buổi chiều này để khám phá và trải nghiệm Sa Pa nhé.
Ngày 3: Sa Pa - Sìn Hồ
Sáng sớm dậy làm một tăng cafe ở quán cafe đẹp nhất ở Sa Pa rồi xuất phát đi Sìn Hồ, từ Sa Pa đi Sìn Hồ vào khoảng hơn 100km nên các bạn đi từ đầu giờ chiều cũng được.
Tối ngủ Sìn Hồ, ở đây có bài tắm là thuốc của người dân ở đấy cũng thích lắm, nhớ thử nhé.
Ngày 4: Sìn Hồ - Pha Đin - Sơn La
Từ Sìn Hồ các bạn đi theo hướng Mường Lay rồi rẽ theo QL6 qua đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc rồi về Tp Sơn La
Ngày 5: Tp Sơn La - Mộc Châu - Mai Châu
Từ Tp Sơn La đi thẳng QL6 về Mộc Châu, dành thời gian khám phá Mộc Châu rồi khoảng 3h chiều đi về Mai Châu, khoảng cách khoảng 70km thôi nên đi không lâu, các bạn chỉ cần không đi muộn quá vì có thể có sương mù.
Tối ngủ ở Mai Châu
Ngày 6: Mai Châu - Hà Nội
Ngày này các bạn có thể tranh thủ dạo chơi ở Mai Châu rồi thong thả khoảng đầu giờ chiều đi về Hà Nội. Thời gian từ Mai Châu về Hà Nội khoảng 4 tiếng.
Ngày 1: Hà Nội - Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà - Sa Pa
Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng, đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa. Tóm lại là buổi sáng này là thời gian để bạn khám phá Bắc Hà.
Khoảng trưa khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Tối ngủ Sa Pa
Ngày 3: Sa Pa - Ô Quy Hồ - Mù Cang Chải
Sáng sớm dậy uống cafe ở Sa Pa rồi chạy theo đường đèo Ô Quy Hồ sang hướng Lai Châu. Đến ngã 3 Bình Lư thì rẽ về Than Uyên - Tân Uyên về Mù Cang Chải.
Tối ngủ Mù Cang Chải
Ngày 4: Mù Cang Chải - Khau Phạ - Tú Lệ - Hà Nội
Sáng khám phá Mù Cang Chải rồi đi ngược đường 32 về Hà Nội, trên đường về sẽ ngắm lúa dọc cung đường 32, ở Khau Phạ, Tú Lệ… Nếu thích các bạn có thể kéo dài thêm 1 ngày ở Mù Cang Chải để thoải mái ngắm lúa.
Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/di-lao-cai-a33417.html