Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Vào ngày này, việc cúng lễ ông Công ông Táo đối với nhiều gia đình không phải cầu kỳ nhưng vẫn cần đầy đủ, chu đáo.
Kính mời quý vị cùng tìm hiểu cách cúng ông Công ông Táo đơn giản và đúng chuẩn trong bài viết dưới đây nhé!
Theo quan niệm dân gian, nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo là phải cúng dưới bếp; vì ở đó có ông Thần bếp cai quản.
Tuy nhiên, sự thật chúng ta không phải cúng ở dưới bếp vì ông Công ông Táo không trú ngự trong bếp. Việc cúng ông Công ông Táo tức là chúng ta hướng tâm tới chư Thiên, chư Thần hộ trì; “ông Công ông Táo” chỉ là tên gọi dân gian đặt.
Cho nên, chúng ta nên làm mâm cơm cúng ở trên ban thờ trong nhà hoặc những nơi trang nghiêm để thể hiện sự cung kính, sự tôn trọng.
Xem thêm: Ông Công ông Táo là ai?
Đối với những vị Thần trong cõi tâm linh, chúng ta không phải chọn cúng vào giờ nào, ngày nào. Chỉ cần cúng với lòng biết ơn thì chúng ta cúng vào giờ nào cũng được, kể cả không đúng ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, chúng ta nên cúng đúng ngày để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.
Để lễ cúng ông Công ông Táo được nhiều lợi ích, chúng ta cần chuẩn bị mâm cúng với vật phẩm thanh tịnh, trang nghiêm. Vì vậy, người sắm lễ nên chuẩn bị:
- Cúng Phật: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
- Cúng chư Thiên, Thần Linh: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.
- Cúng hương linh (bày lễ ở bát hương thờ gia tiên): Hoa quả, một mâm cơm (chay: rau, củ, quả; hoặc nếu là mâm cơm mặn thì chỉ nên có thịt tịnh nhục: thịt của chúng sinh đã chết, nhưng không do tự tay giết hoặc xui người khác giết hại).
Lưu ý:
- Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.
- Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
- Trà: Nước trà tỏa hương. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.
- Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để hương linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).
- Các đồ lễ, sau khi lễ xong thì thọ thực.
- Trường hợp chưa có bàn thờ: Sắp 1 bàn, để 3 cốc gạo, sắm 3 lễ bày trước cốc gạo: cúng Phật, cúng Thần Linh, cúng gia tiên.
- Trường hợp có bàn thờ:
+ Chỉ có bàn thờ Phật: Đồ lễ cúng Phật, bày lên lễ cúng Phật; sắp thêm 2 cốc gạo bày hai bên cạnh/dưới nơi thờ Phật: 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng Thần Linh, 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng gia tiên. (Có thể bày cùng ban thờ hoặc nếu ban thờ nhỏ, thì có thể sắp thêm bàn ở gần đó phù hợp với việc lễ cúng.)
+ Chỉ có bàn thờ thổ công: sắp thêm để cúng Phật và hương linh tương tự như trên.
+ Chỉ có 1 bàn thờ hương linh: sắp thêm để cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh tương tự như trên.
Chùa Ba Vàng xin gửi đến quý vị văn khấn cúng ông Công ông Táo đúng và đầy đủ qua đường link dưới đây:
https://chuabavang.com/bai-cung-ong-cong-ong-tao-d2459.html
Chúng ta nên nhớ rằng, ngày lễ ông Công ông Táo là ngày sum họp gia đình; để cùng chia sẻ về những câu chuyện làm ăn, về cuộc sống sau một năm; động viên, nhắc nhở nhau sống tốt. Đây là ý nghĩa chính của ngày lễ, chứ không phải vào ngày đó, các vị thần sẽ lên trời và báo cáo những việc làm tốt hay xấu trong năm cũ. Cho nên, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa để không cảm thấy nặng nề, sắm lễ rườm rà.
Xem thêm: Ý nghĩa ngày lễ ông Công ông Táo
Trên đây là những nội dung cần thiết cho gia chủ về việc cúng ông Công ông Táo vào cuối năm. Chúc các bạn có một năm mới tràn đầy niềm vui, may mắn và an lạc.
Kính mời quý vị theo dõi trang truyền thông chùa Ba Vàng để có thêm những thông tin hữu ích tiếp theo!
Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/nghi-le-cung-ong-cong-ong-tao-a35668.html