CNTT gồm những ngành nào? So sánh mức lương 10 chuyên ngành

Công nghệ thông tin gồm nhiều ngành khác nhau, trải dài từ khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an ninh mạng đến trí tuệ nhân tạo AI… Vậy, công nghệ thông tin gồm những ngành nào? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc công nghệ thông tin gồm những ngành nào, từ đó dễ dàng tham khảo, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích và đam mê khi theo học nhé.

1. Khoa học máy tính

Khoa học Máy tính là ngành học biết tất tần tật về máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người tiêu dùng khi sử dụng. Khi bắt đầu theo học ngành này, bạn sẽ được học về những môn đại cương về lịch sử của máy tính, ứng dụng của nó trong xã hội cũng như hiểu rõ về mạng lưới và hệ thống. Qua những năm tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu như lập trình, cấu trúc hệ thống và phân tích thuật toán từ đó có thể tạo nên những phần mềm, xây dựng trang web, hệ thống dữ liệu và hệ điều hành.

Tìm hiểu ngành Khoa học máy tính
Công nghệ thông tin gồm những ngành nào? Khoa học máy tính là 1 trong những ngành “chủ chốt” của CNTT được nhiều bạn trẻ theo đuổi

Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, bạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc như Lập trình viên, cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kiểm thử phần mềm (QA), chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học…

Các công ty mà bạn có thể gia nhập như những công ty phần mềm (FPT Software, VNG, Viettel), công ty, tập đoàn công nghệ (Google, Microsoft, Facebook, Apple, Amazon), các ngân hàng, tập đoàn tài chính, công ty sản xuất… Mức lương của kỹ sư Khoa học máy tính phổ biến tại Việt Nam trong khoảng 10 - 30 triệu/tháng.

2. Công nghệ phần mềm

Công nghệ phần mềm chuyên nghiên cứu về hệ thống kỹ thuật, phần mềm máy tính. Ngành học này sẽ tập trung nghiên cứu về hạ tầng phần mềm, cơ sở dữ liệu cũng như sự phát triển của các ứng dụng và hệ thống. Khi theo học ngành công nghệ phần mềm sẽ trang bị cho bạn những kiến thức nền tảng như quản trị mạng, thiết kế định hướng người dùng, phát triển phần mềm cho thiết bị di động, quản lý các dự án phần mềm.

Sau khi ra trường bạn có thể linh hoạt thử sức với nhiều vị trí công việc khác nhau như lập trình viên, chuyên viên phát triển phần mềm, chuyên viên phân tích hệ thống, chuyên viên phân tích an ninh, kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống, cố vấn IT và an ninh.

Học ngành này sẽ giúp bạn có cơ hội làm việc tại nhiều công ty thuộc các lĩnh vực về phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, bộ phận vận hành và phát triển CNTT của nhiều doanh nghiệp với thu nhập trung bình khoảng 10 - 18 triệu đồng/tháng. Ở vị trí cấp quản lý, mức lương sẽ dao động từ 30 - 70 triệu đồng/tháng.

3. Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu sẽ đi sâu nghiên cứu những nguyên lý của mạng, cách thiết kế, xây dựng một hệ thống mạng từ mạng nội bộ đến mạng diện rộng có kết nối toàn cầu. Khi học ngành này sẽ cung cấp những kỹ năng trong việc phát triển ứng dụng trên các hệ thống máy tính nối mạng từ trung đến cao cấp. Bạn sẽ tiếp cận những công nghệ mạng phổ biến như thư tín điện tử, điện toán đám mây, tính toán lưới, tính toán di động, truyền tải tập tin, truyền thông tin, an toàn và bảo mật thông tin.

Bạn có thể thử sức ở hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều vị trí hấp dẫn như chuyên gia phát triển hạ tầng, dịch vụ mạng, giao thức (network developers), kỹ sư, chuyên viên thiết kế, cài đặt, phân tích, quản trị, bảo trì và đảm bảo an ninh cho các hệ thống mạng máy tính và truyền thông. Các công ty mà bạn có thể thử sức như tập đoàn công nghệ, các công ty, cơ quan, trường học, các viện, trung tâm nghiên cứu.

Theo đánh giá và tổng hợp của trang web tuyển dụng JobOKO cho biết mức lương của kỹ sư mạng máy tính mới ra trường sẽ từ 13 - 18 triệu/tháng với nhân sự có 1 - 3 năm kinh nghiệm và khoảng 20 - 30 triệu/tháng với kinh nghiệm trên 5 năm.

4. An ninh mạng

An ninh mạng (Cyber Security) là lĩnh vực tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các giải pháp bảo vệ cho hệ thống máy tính, mạng dữ liệu và phần mềm khỏi mọi hành vi truy cập, xâm nhập, thay đổi hoặc phá hoại trái phép. Lĩnh vực này bao gồm một hệ thống nguyên tắc, quy trình, công nghệ và phương thức thực hành được thiết kế nhằm bảo vệ mạng lưới, thiết bị, chương trình và dữ liệu khỏi các tấn công hoặc truy cập trái phép.

Xu hướng nghề nghiệp ngành An ninh mạng
An ninh mạng là 1 trong những ngành nổi bật hiện nay trước sự phát triển nhanh chóng của internet

Dựa theo Tiêu chuẩn học thuật của NSA, chương trình đào tạo chuyên ngành An ninh mạng sẽ giúp sinh viên tiếp cận với phân tích dữ liệu, lập trình máy tính, điện toán đám mây, rủi ro trên không gian mạng, phòng thủ trên không gian mạng, mật mã, nguyên tắc thiết kế bảo mật, đảm bảo thông tin…

Ngành An ninh mạng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp phát triển bền vững, trong đó bao gồm các công việc như lập trình viên phát triển phần mềm bảo mật, chuyên gia bảo mật mạng, chuyên viên phân tích an ninh mạng, chuyên viên tư vấn An ninh mạng, chuyên viên phát triển phần mềm an ninh, kỹ sư mạng,…

Dựa trên khảo sát của Cyber Jutsu - trung tâm đào tạo kiến thức và kỹ năng thực chiến về An Toàn Thông Tin cho biết, mức lương ngành an ninh mạng dao động từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự 1-3 năm kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường có mức lương trung bình từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng.

5. Hệ thống thông tin quản lý

Ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS) là lĩnh vực nghiên cứu về con người, thiết bị và quy trình liên quan đến việc thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin chính xác cho những người lãnh đạo và ra quyết định trong các tổ chức và doanh nghiệp. Sinh viên khi theo học ngành Hệ thống thông tin quản lý sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc, tiếp cận cách quản lý dự án công nghệ thông tin, lập trình web, mạng và truyền thông và phát triển các kỹ năng cần thiết như tư duy logic, chính xác, làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp…

Sau khi tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý, bạn có thể làm trong các tập đoàn, công ty công nghệ, các cơ quan triển khai dịch vụ thiết kế và quản lý một hệ thống thông tin… Mức lương ngành Hệ thống thông tin quản lý dao động từ 15 - 50 triệu đồng/tháng.

6. Cơ sở dữ liệu

Ngành Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Management) là một lĩnh vực chuyên về quản lý và điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu trong một tổ chức. Ngành này tập trung vào các khía cạnh về thiết kế, triển khai, vận hành, bảo mật và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính hiệu quả và tin cậy của hệ thống. Khi theo học ngành Cơ sở dữ liệu, sinh viên sẽ được cập nhật những kiến thức chuyên môn về cơ sở dữ liệu, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS), thiết kế cơ sở dữ liệu, bảo mật cơ sở dữ liệu, tối ưu hóa và phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu.

Tìm hiểu chi tiết về ngành Cơ sở dữ liệu
Ngành Cơ sở dữ liệu mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn

Sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn sẽ có cơ hội làm việc với nhiều vị trí như kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist), chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst), kỹ sư dữ liệu (Data Engineer), chuyên gia phân tích định lượng (Quantitative Analyst). Học ngành Quản trị cơ sở dữ liệu giúp bạn có thể làm việc tại nhiều doanh nghiệp từ ngân hàng, y tế, dịch vụ, vận tải đến các tổ chức, công ty phần mềm hoặc tổ chức chính phủ.

Mức lương của ngành cơ sở dữ liệu khá cao dao động khoảng 17 - 50 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí công việc, số năm kinh nghiệm, môi trường làm việc.

7. Công nghệ web

Chương trình đào tạo Công nghệ Web tập hợp các công nghệ, ngôn ngữ lập trình và phần mềm được sử dụng để xây dựng và vận hành các trang web, ứng dụng web và các dịch vụ trực tuyến. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực, từ thiết kế giao diện người dùng đến lập trình backend, quản trị hệ thống và bảo mật.

Để trở thành chuyên viên công nghệ web, bạn cần trang bị kiến thức về ngôn ngữ lập trình (HTML, CSS, JavaScript, PHP, Python, Ruby on Rails, Java, NET), khung lập trình xây dựng giao diện website (ReactJS, AngularJS, VueJS), cơ sở dữ liệu (MySQL, PostgreSQL, MongoDB) và những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Chuyên viên công nghệ web sau khi ra trường có thể làm việc tại nhiều doanh nghiệp phát triển phần mềm, các công ty dịch vụ internet hoặc làm việc tự do đảm nhận thiết kế, lập trình web cho các cá nhân và doanh nghiệp. Theo dữ liệu từ Vietnamworks, mức lương trung bình cho chuyên viên công nghệ web tại Việt Nam là 15 - 40 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy vào năng lực và kinh nghiệm của mỗi người.

8. Trí tuệ nhân tạo

Nhiều bạn thắc mắc công nghệ thông tin gồm những ngành nào? Một trong những ngành quan trọng nhất của công nghệ thông tin chính là Trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, ứng dụng kiến thức vào việc tạo ra các hệ thống máy móc mô phỏng trí thông minh của con người, có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực như y tế, kinh doanh, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, tài chính… Ngày nay, AI được sử dụng phổ biến trong cuộc sống như robot tự động hóa sản xuất, xe tự động lái, trợ lý ảo,…

Ngành Trí tuệ Nhân tạo dẫn đầu xu hướng thời đại
Ngành Trí tuệ nhân tạo rất khan hiếm nguồn nhân lực từ ở thế giới đến Việt Nam

Theo thống kê, nhân lực ngành AI tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm nhiều công việc như nhà nghiên cứu AI, kỹ sư AI, kỹ sư học máy, kỹ sư dữ liệu, giảng viên… Trong đó với mức lương của kỹ sư AI khá cao, có thể lên đến 95 - 230 triệu đồng/tháng.

9. Internet vạn vật (IoT)

IoT (Internet of Things) là một hệ thống định hướng khổng lồ mà tất cả các thiết bị được kết nối với nhau thông qua mạng Internet hướng tới mục đích phục vụ cho đời sống con người. Khi theo học IoT, bạn sẽ được đào tạo những kiến thức liên quan đến ngôn ngữ lập trình (lập trình bậc cao và Python, lập trình ứng dụng Android kết nối thiết bị IoT, C/C++, Java), hệ thống mạng máy tính, cơ sở khoa học dữ liệu, thiết kế vi mạch bán dẫn (FPGA, SoC, HW/SW), hệ thống vi điều khiển, kỹ thuật vi xử lý…

Bên cạnh đó, sinh viên ngành IoT còn được đào tạo các kỹ thuật chuyên môn như code ở mã máy, hệ điều hành, firmware hay trên ứng dụng, mobile; kiến thức về việc bảo mật, điện toán đám mây, tổng hợp, truy xuất các thông tin hữu ích, có giá trị trong một lượng lớn các dữ liệu…

Giải đáp thắc mắc về ngành hệ thống nhúng và IoT
Học ngành IoT giúp bạn thử sức được với nhiều vị trí công việc khác nhau tại nhiều tập đoàn lớn về công nghệ

Sau khi học xong ngành IoT bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các công việc như lập trình viên IoT, chuyên tư vấn và thiết kế các hệ thống IoT, chuyên viên phân tích và hệ thống IoT… tại các công ty, tập đoàn hàng đầu về công nghệ trong nước và quốc tế như Viettel, Mobifone, VNPT, FPT, Samsung, Intel, VNG… hoặc có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực lập trình hệ thống nhúng và IoT.

Thị trường nhân lực ngành IoT rất sôi động và khan hiếm nhân lực, nhất là những nhân sự giỏi, chuyên môn cao với mức lương dao động khoảng 20-30 triệu/tháng. Nếu ở trình độ Senior, thu nhập có thể lên đến 30-60 triệu/tháng.

10. Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR)

Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR) khá mới mẻ tuy nhiên đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thu hút sự chú ý của giới công nghệ và nhiều lĩnh vực khác. Nhu cầu về các ứng dụng VR và AR ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội việc làm tiềm năng cho những người theo học và có kỹ năng trong lĩnh vực này.

VR tạo ra môi trường ảo hoàn toàn, tách biệt khỏi thế giới thực, cho phép người dùng đắm chìm trong thế giới riêng biệt thông qua kính VR và tai nghe. AR bổ sung thông tin ảo vào môi trường thực tế thông qua điện thoại thông minh, kính AR, giúp con người tương tác với cả thế giới thực và ảo.

Tại các trường đại học đào tạo ngành CNTT, Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR) được bổ sung thành các môn học chuyên ngành giúp sinh viên có kiến thức về kỹ năng lập trình ứng dụng VR/AR, thiết kế 3D tạo nên mô hình và môi trường ảo đồng thời các kiến thức về nguyên lý hoạt động, các ứng dụng của VR/AR… Khi theo đuổi công việc Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường, bạn có thể thử sức với nhiều vị trí như lập trình viên VR/AR, kỹ sư phát triển phần mềm thực tế ảo, thiết kế 3D, chuyên gia kỹ thuật VR/AR… tại các công ty chuyên phát triển những công nghệ này hoặc các doanh nghiệp ứng dụng VR/AR.

Mức lương của các kỹ sư phát triển phần mềm thực tế ảo khá cao, nhất là tại các tập đoàn lớn nước ngoài như Meta, Apple, Sony, Microsoft. Trong đó mức lương của kỹ sư phát triển phần mềm thực tế ảo tại Apple, Meta và Microsoft dao động từ 76.000 USD/năm, tương đương khoảng 156 triệu đồng/tháng. Còn ở Apple, kỹ sư thực tế ảo được trả 178.000 - 299.000 USD/năm (khoảng 350 triệu - 580 triệu đồng/tháng).

Trên đây là tổng hợp những thông tin về thắc mắc công nghệ thông tin gồm những ngành nào. Việc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích là điều vô cùng quan trọng để bạn có thể thành công trong lĩnh vực này. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn được ngành học phù hợp và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp!

Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/cong-nghe-thong-tin-co-nhung-nganh-nao-a36858.html