Từ những cuốc xe ôm của khoảng 30 năm về trước, anh Phan Minh Tánh (50 tuổi, trú tại P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bắt đầu biết đến xe Minsk. 20 năm sau thời điểm đó, người đàn ông này bắt đầu dành tất cả đam mê của mình cho dòng xe này.
Anh Phan Minh Tánh có niềm đam mê đặc biệt với thú chơi và sửa xe MinskĐến nay, anh Phan Minh Tánh đã có gần 10 năm gắn với thú chơi xe Minsk. Và như thú nhận của anh, từ khi “chơi” xe Minsk, niềm đam mê các dòng xe khác cũng “biến mất”.
Thợ sửa xe ben… mê xe Minsk
Nằm ở một góc nhỏ tại một con hẻm nhỏ trên đường dẫn vào chùa Tỉnh Hội, KP.Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa nên những ai tinh ý lắm mới có thể nhìn thấy được tấm biển “Tánh Minsk”. Đó là tên của một tiệm sửa xe nhỏ, chuyên sửa xe Minsk được nhiều người chơi dòng xe này không chỉ ở TP.Biên Hòa mà còn ở nhiều địa phương khác thường xuyên tìm đến. Trong cái không gian nhỏ hẹp chỉ vài chục mét vuông đó, người ta gần như tìm thấy mọi thứ liên quan đến xe Minsk, dòng xe “huyền thoại” một thời trên đường phố Việt Nam.
Theo anh Phan Minh Tánh, từ khi đến với xe Minsk, không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê chơi Minsk, sửa xe Minsk, anh còn được tham gia các chuyến phượt với những người đam mê xe Minsk như mình. Xe Minsk là một dòng xe khỏe, phù hợp với các chuyến phượt. Anh Tánh từng tham gia các chuyến phượt bằng xe Minsk đến các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh ĐBSCL.Chủ nhân của “Tánh Minsk”, anh Phan Minh Tánh cũng được biết đến như là một người có niềm đam mê “bất tận” với xe Minsk.
Khởi đầu cho “cơ duyên” đến với xe Minsk của anh Tánh diễn ra cách đây đã 30 năm. “Thời đó, do đi làm ở khu vực P.Long Bình nên nhiều lúc tôi bắt xe ôm từ ngã ba Tam Hiệp về nhà. Một số lần tôi được đi xe ôm bằng xe Minsk nên bắt đầu biết về dòng xe này”- anh Tánh nhớ lại.
Ký ức về những lần đầu đến với xe Minsk không thật sự sâu đậm dù anh Tánh là người “chơi” xe từ rất sớm. Lúc bấy giờ, niềm đam mê của anh Tánh vẫn dành cho dòng xe Honda 67.
“Gặp” nhiều thành quen, sự thô ráp, hầm hố và những thiết kế khác biệt dần khiến cho anh bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những chiếc xe Minsk. “Đèn pha to tròn, hầm hố và cần khởi động đạp ngược là có thể thấy rõ những đặc điểm nổi bật và khác lạ của xe Minsk. Cũng chính từ những điều này khiến tôi dần chú ý và tìm hiểu về xe Minsk” - anh Tánh hồi tưởng.
Ấy thế nhưng “đam mê chưa đủ lớn” khiến cho xe Minsk đối với anh Tánh lúc bấy giờ chỉ gói gọn trong 2 chữ: tò mò. Tuy nhiên, sự tò mò đó cũng khiến cho anh dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về dòng xe này. Càng tìm hiểu, anh lại càng nhận ra sự “hay ho” của xe Minsk, niềm đam mê với dòng xe này từ đó cũng dần lớn thêm đối với anh.
20 năm sau những lần gặp gỡ đầu tiên với xe Minsk, anh Tánh quyết định bán chiếc xe Honda 67 yêu thích để chuyển sang chơi xe Minsk. Lần mò tìm hiểu, anh quyết định “ôm tiền” lên TP.HCM để “tậu” chiếc xe Minsk đầu tiên cho mình.
“Có khờ mới chơi Min-khơ”. Đó là câu “châm chích” dòng xe Minsk bởi hình dáng ngồ ngộ cộng với “lắm thứ bệnh lặt vặt” dễ làm nản lòng dân chơi hai bánh. Chiếc xe Minsk đầu tiên của anh Tánh cũng không nằm ngoài quy luật đó. “Mua xe từ Q.Bình Tân, TP.HCM rồi chạy về nhà mà có đến 2,3 lần chiếc xe Minsk “nằm đường” vì chết máy” - anh Tánh nhớ lại.
Anh Phan Minh Tánh còn có thêm niềm đam mê đi “phượt” bằng xe MinskCũng bởi đặc điểm “lắm bệnh lặt vặt” nên hầu như ai đi Minsk đều biết sửa mỗi khi “xế yêu” bất ngờ “đổ bệnh”. Không ngoại lệ, anh Tánh phải học hỏi, tìm hiểu cách sửa chữa xe Minsk để phục vụ cho niềm đam mê của mình. Đó cũng là khởi đầu cho sự ra đời của “Tánh Minsk”. Sự ra đời của “Tánh Minsk” cũng chính là sự kết thúc công việc sửa chữa xe ben vốn đã gắn bó với anh Tánh hàng chục năm trước đó. “Khi đã đam mê một cái gì đó, tôi khó có thể chấp nhận chia sẻ với bất kỳ điều gì khác” - anh Tánh thú nhận.
Đối với anh Tánh, 10 năm qua, niềm đam mê của anh dành toàn bộ cho xe Minsk. Niềm đam mê đó, như thừa nhận của anh lớn đến mức “cực đoan”. Điều này được thể hiện ở việc từ ngày ra đời “Tánh Minsk” chỉ nhận sửa chữa một dòng xe duy nhất: xe Minsk.
* Những cuộc “săn hàng” phụ tùng xe Minsk
Năm 1945, người Đức xây dựng nhà máy Minsk tại TP.Minsk nước Cộng hòa Belarus (quốc gia mà Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ 2). Năm 1951, nhà máy Minsk phối hợp với nhà máy mô tô ở Moscow (Liên Xô) sản xuất chiếc xe máy đầu tiên. Chiếc xe đó có tên gọi là xe Minsk, tên của thành phố nơi đặt nhà máy đầu tiên.
Những chiếc xe Minsk đầu tiên đến Việt Nam là do những kỹ sư người Nga mang theo trong những năm tháng giúp đỡ Việt Nam xây dựng đất nước sau giải phóng, những năm 70 của thế kỷ XX. Do đó, một thời, xe Minsk là phương tiện phổ biến trên đường phố Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những chiếc xe Minsk cũng lùi vào dĩ vãng để nhường “đường” cho những chiếc xe máy hiện đại, đẹp và sang hơn. Bởi vậy, đối với những người chơi xe Minsk, sửa xe Minsk hiện nay, việc tìm kiếm phụ tùng để thay thế cho những chiếc xe Minsk cũng trở nên khó khăn hơn. Nguồn phụ tùng chính hãng, một yêu cầu “bắt buộc” đối với người chơi Minsk vì thế trở nên hiếm hoi hơn. “Vì khó kiếm nên dân chơi Minsk vẫn thường ví von việc đi tìm phụ tùng thay thế cho xe Minsk là những cuộc săn hàng” - anh Tánh cho hay.
Với bản thân mình, anh Tánh cho biết, “bãi săn” phụ tùng xe Minsk chính là các vựa đồng nát và các cửa hàng bán phụ tùng xe máy có tuổi đời hàng chục năm vốn rất hiếm hoi. “Xe Minsk khi thất thế thì chủ yếu được bán đồng nát, do đó các vựa đồng nát là những nơi có thể tìm thấy phụ tùng xe. Ngoài ra, những cửa hàng bán phụ tùng xe máy trước đây, khi nhập hàng phụ tùng xe Minsk về nhưng chưa bán được, tiếc của, nhiều người vẫn cất giữ cũng là nơi có thể tìm được phụ tùng cho xe Minsk”.
Tuy nhiên, theo anh Tánh, việc xác định được những “bãi săn” có thể tìm được phụ tùng xe Minsk không hề dễ dàng. Để biết được những bãi đồng nát, những cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy cũ “còn hàng”, người chơi thường phải dựa vào các mối quan hệ trong giới “chơi xe”. Do đó, đối với anh Tánh, những “bãi săn” hàng Minsk thường rất vô chừng, có khi là các bãi đồng nát ở H.Tân Phú, có khi là ở TP.HCM, tỉnh Lâm Đồng, hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Cứ nghe ai nói có là phải xách Minsk chạy đi. Có lần lên đến H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, mất gần 1 ngày mới dò hỏi được một gia đình bán phụ tùng xe máy trước đây có bán hàng Minsk. Khi mình hỏi người ta mới lôi ra một cái bọc phủ đầy bụi vứt ở gác xép nhà hàng chục năm. Phủi bụi, mở túi ny-lông thấy đống đồ phụ tùng Minsk mà mừng khôn tả” - anh Tánh chia sẻ.
Phạm Tùng
Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/xe-minsk-nguyen-ban-a52169.html