10 bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở Việt Nam

Bệnh lý cơ xương khớp không chỉ xuất hiện phổ biến ở nhóm người trung niên và cao tuổi, mà còn đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân gây bệnh thường do tuổi tác, sự thay đổi yếu tố nội tiết, hoạt động thể lực quá sức, chấn thương trong lao động hoặc thể thao sai tư thế,… Dưới đây là những bệnh lý cơ xương khớp thường gặp, với tỷ lệ mắc cao trong thời gian gần đây ở Việt Nam.

1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn và xương dưới sụn khớp, làm mất đi khả năng chịu lực của khớp.

Bình thường, cấu trúc giữa các đầu xương có 1 lớp sụn dày bao bọc. Thành phần chủ yếu là nước và các chất sụn giúp bề mặt đầu xương được trơn láng, chịu lực. Trong quá trình thoái hóa, hiện tượng viêm sẽ xuất hiện trước nhất, sau đó phần sụn khớp sẽ bị phá hủy, dần dần gây nên triệu chứng đau. Các cơ dễ bị teo, vận động ngày càng khó, mất vững và gây đau.

Đây là căn bệnh mạn tính, chỉ có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Người bệnh nên kết hợp bổ sung dưỡng chất tái tạo sụn khớp, vật lý trị liệu, bảo vệ nhóm cơ.

2. Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là tình trạng rối loạn khớp phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi sụn giữa hai xương bị vỡ, các đầu tiếp xúc cọ xát, tăng sự ma sát dẫn đến sưng, cứng và đau, khó khăn khi vận động.

3. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (RA- Rheumatoid Arthritis) là do rối loạn hệ miễn dịch khiến viêm khớp và các mô xung quanh. Triệu chứng thường là cứng khớp vào buổi sáng, đau và sưng ở bàn tay, bàn chân và cổ tay. Giai đoạn muộn có thể dẫn tới biến dạng khớp, gây tổn thương các cơ quan khác tim, phổi, thận, da, mắt…

Hiện nay, bệnh vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng mới đây đã chỉ ra rằng các triệu trứng có thể được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân được điều trị sớm bằng các thuốc điều trị sinh học DMARDs (Disease Modifying Antirheumatic Drugs).

4. Thoát vị đĩa đệm

Nằm giữa mỗi đốt sống trong cột sống, các đĩa đệm đóng vai trò như bộ giảm xóc cho xương cột sống. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch khỏi vị trí, xuyên qua dây chằng. Ống sống có không gian hạn chế, nên khi đĩa đệm tràn ra sẽ chèn ép các dây thần kinh cột sống. Từ đó gây ra các cơn đau dữ dội, hoặc tê bì ở những vùng do thần kinh bị chèn ép chi phối.

Ngoài ra, đây là tình trạng phổ biến gây đau lưng dưới, đau chân, tê các vùng lân cận hoặc đau thần kinh tọa.

5. Gai cột sống

Khi bị suy giảm sụn khớp, tổn thương khớp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách phát triển thêm xương tạo thành phần gai xương (tế bào xương). Phần nhô ra của gai xương làm tăng ma sát và độ cứng ở cột sống lưng, dẫn đến đau.

Trong thời gian đầu, thường không cảm thấy triệu chứng gì. Sau đó, khi gai xương cọ sát với các xương khác hoặc phần mềm xung quanh: dây chằng, rễ thần kinh,… thì những cơn đau mới dần xuất hiện.

6. Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là kết quả của thoát vị đĩa đệm và gai cột sống phát triển quá mức, làm thu hẹp không gian và chèn ép các dây thần kinh đi qua. Cơn đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ lưng dưới qua hông, mông rồi xuống từng chân.

Những người bị đau thần kinh tọa kèm tình trạng yếu chân tay, mất cảm giác, ruột kích thích và bàng quang suy yếu cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức. Trường hợp nghiêm trọng có thể phải can thiệp phẫu thuật.

7. Loãng xương

Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương, khiến xương “xốp” và dễ gãy hơn. Căn bệnh này thường tiến triển âm thầm mà không có bất kỳ triệu chứng nào, cho đến khi xương bị suy yếu gây ra tình trạng gãy xương.

Nhiều người biết đến loãng xương là căn bệnh thường gặp của phụ nữ (gấp 4 lần nam giới) nhưng lại không hay biết rằng đây cũng là căn bệnh phổ biến của nam giới. Ước tính có khoảng 200 triệu người bị loãng xương trên khắp thế giới.

Bệnh loãng xương thường diễn tiến âm thầm

8. Bệnh Gout

Bệnh Gout hình thành do tình trạng tăng axit uric máu trong cơ thể. Chúng có thể gây tích tụ trong các khớp, chất lỏng và các mô trong cơ thể.

Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, đặc trưng bởi các cơn đau đột ngột, sưng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, thường là ở ngón chân cái.

9. Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn phổ biến gây ra tình trạng hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau: da, khớp, thận, tim, phổi, não bộ và máu. Lupus đặc biệt ảnh hưởng đến khớp và hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng các can thiệp y tế và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh lupus có yếu tố di truyền. Ngoài ra còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường và nội tiết. Bệnh có thể phát triển khi tiếp xúc với yếu tố kích hoạt nào đó.

10. Gãy xương

Gãy xương là tình trạng khối xương trở nên yếu, giòn và dễ bị gãy. Các nguyên nhân bên trong gây ra gãy xương là mật độ xương thấp và loãng xương khiến xương yếu đi. Một số chấn thương từ bên ngoài góp phần tăng nguy cơ gãy xương là do té xe, ngã, chấn thương thể thao…

Việc vận động sai tư thế, tập luyện quá mức cũng có thể gây ra những vết nứt nhỏ trong xương và nguy cơ gãy xương tăng cao. Thế giới ước tính, sau 50 tuổi, cứ 2 phụ nữ thì có 1 người bị gãy xương và trong người đàn ông sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương.

Các triệu chứng của gãy xương thường không giống nhau vì phụ thuộc vào vị trí, mức độ, tuổi tác và sức khỏe của người đó. Tuy nhiên, một số biểu hiện phổ hiện khi bị gãy xương: đau đớn, sưng đỏ, bầm tím, giảm khả năng vận động…

——————————————-

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/benh-ly-co-xuong-khop-a54951.html