Không còn môn Lý, Hóa, Sinh bậc THCS, lên lớp 10 học sinh chọn tổ hợp ra sao?

Từ khi xuất hiện các môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở đã nhận được rất nhiều chuyên gia, giáo viên cả nước quan tâm, phân tích về những bất cập, rối rắm về chương trình, nội dung, giáo viên giảng dạy,…

Rất tiếc, những góp ý, phản biện về các môn tích hợp của nhiều người thông qua cả trăm bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều diễn đàn giáo dục khác chưa được tiếp thu đã dẫn đến việc khi triển khai từ năm học 2021-2022 ở lớp 6 có nhiều bất cập như: 1 môn 2, 3 thầy hoặc 1 thầy 2, 3 phân môn hay về kiểm tra, đánh giá,....

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết tiếp tục bàn về một bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bộ môn tích hợp là tính khoa học, liên thông khi các em chuyển cấp học từ cấp trung học cơ sở (ở lớp 9) lên cấp trung học phổ thông (lớp 10).

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đến năm 2024-2025 học sinh trung học cơ sở sẽ chính thức không còn học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học

Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT được thực hiện như sau: từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo đó, đến năm 2024-2025 thì toàn bộ học sinh trung học cơ sở sẽ học chương trình mới không còn học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà thay bằng môn Khoa học tự nhiên bao gồm nhiều chủ đề chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời.

Người viết cho rằng khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình mới với lớp 6 nằm ở môn Khoa học tự nhiên. Tham khảo đồng nghiệp ở các trường trung học cơ sở khác, tôi nhận thấy mỗi trường đang tổ chức dạy môn này một kiểu, rất rối rắm.

Tuy đối với môn Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở cũng có thể coi là cuộc “cưỡng hôn” kỳ lạ khi bộ môn gồm 2 phần Lịch sử và phần Địa lý lại chung 1 môn, chung đánh giá, nhận xét nhưng dù sao học sinh đến lớp 9 vẫn biết về phân môn Lịch sử, Địa lý, còn đối với môn Khoa học tự nhiên thì học sinh hoàn toàn không còn biết phần nào thuộc phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Hiện nay chương trình Khoa học tự nhiên lớp 6 được học các chủ đề: các phép đo; Oxygen và không khí; nguyên liệu, lương thực thực phẩm; chất tinh khiết, hỗn hợp; tế bào; đa dạng thế giới sống; lực; năng lượng và cuộc sống; Trái đất và bầu trời.

Người viết khi dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hỏi các em học sinh chủ đề nào thuộc phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì gần như 100% các em không biết.

Tức là sắp tới khi triển khai chương trình mới ở toàn bậc trung học cơ sở thì xem như chính thức “xóa sổ” 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn như thế nào khi không học các môn đó ở lớp 9?

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023. Đầu tiên là ở lớp 10, một trong những điểm mới, thay vì 13 môn học như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn trong đó 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.

7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Như vậy, học sinh sẽ chọn 5 trong 9 môn gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (chọn 1 trong 2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật).

Nguyên tắc của sự lựa chọn, học sinh sau trung học cơ sở căn cứ vào năng lực, sở trường, đam mê, hứng thú của bản thân sẽ lựa chọn một trong các phương án trên khi học lên trung học phổ thông để chuẩn bị cho hướng đi sau này, định hướng nghề nghiệp.

Nhưng oái ăm là các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là môn tự chọn ở lớp 10 nhưng học sinh ở lớp 9 lại không được học các môn trên và cũng phân biệt chủ đề nào thuộc phân môn nào thì làm sao biết mình yêu thích, có sở trường, năng lực môn nào để lựa chọn?

Các em học sinh lớp 9 còn quá nhỏ, nếu chọn sai tổ hợp môn thì có thể đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân, cả tương lai ở phía trước, là cái giá quá đắt khi cho học sinh chọn hay trường chọn sai tổ hợp môn cho học sinh vì nếu chọn sai sẽ gần như không được chọn lại.

Nếu nhà trường chọn sẵn các tổ hợp chọn môn cho học sinh thì học sinh cũng không biết mình sẽ chọn tổ hợp nào.

Đây là điều quá khó cho học sinh, khi suốt bậc trung học cơ sở không học về các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (học môn Khoa học tự nhiên tích hợp của 3 phân môn trên) nhưng lại phải chọn một trong các môn trên để học ở lớp 10 và gần như sau khi chọn thì phải học hết ở bậc trung học phổ thông mà không được lựa chọn lại nếu chọn sai.

Đội ngũ giáo viên dạy các phân môn tích hợp cũng là điều đáng bàn trong thời gian tới bởi theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, mục tiêu chung của chương trình “Sau khi hoàn thành chương trình, học viên có phẩm chất, năng lực tối thiểu để đáp ứng được việc dạy học môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục trung học cơ sở,…”.

Trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và lớp 7 trong đó có lưu ý về môn Khoa học tự nhiên “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.”[1]

Nếu giáo viên thuộc phân môn Vật lý khi dạy toàn bộ 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì sẽ định hướng cho học sinh chọn môn như thế nào khi lên lớp 10?

Bên cạnh đó, ở môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở, học sinh sẽ học theo các chủ đề như chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Sinh học sau đó tiếp đến chủ đề 2, 3 thuộc phân môn Vật lý thì gần như học sinh đã quên kiến thức của môn Sinh học.

Khi học tiếp chủ đề 5, 6 thuộc môn Hóa học thì kiến thức môn Sinh học gần như bằng 0, kiến thức môn Vật lý cũng đã quên.

Gần như việc xoay vòng theo các chủ đề này vô cùng khiên cưỡng mất đi tính liên thông, khoa học của mạch kiến thức của các phân môn.

Học xong chủ đề 1, 2 thuộc môn Vật lý đến chủ đề 3, 4 thuộc môn Sinh học tiếp đến chủ đề 5, 6 thuộc phân môn Hóa học rồi yêu cầu học sinh kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) cả 3 phân môn theo người viết là đánh đố học sinh, thiếu hợp lý, khoa học.

Rõ ràng thực hiện môn tích hợp từ khi triển khai, đang thực hiện ở lớp 6 và cả thời gian phía trước là rất nhiều bất cập, hạn chế, có thể biến cả thầy và trò từ những người giỏi thành dở .

Thế nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét, có những nghiên cứu điều chỉnh để khi thực hiện phải thành công, có lợi cho giáo viên và học sinh cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-gd-luu-y-to-chuc-day-2-mon-tich-hop-doi-voi-lop-6-7-trong-chuong-trinh-moi-post225935.gd

[2] Quyết định 2454/BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/lop-may-hoc-hoa-a56452.html