Tâm niệm từ “mắt thấy tai nghe”
Mùa hè này, Huỳnh Gia Hân, học sinh lớp 4, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh được mẹ đưa đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vừa trải nghiệm với hòn đảo xinh đẹp còn lưu giữ nhiều nét nguyên sinh vừa về nguồn ở nhiều địa chỉ đỏ nơi đây.
Gia Hân chăm chú với những hình ảnh, hiện vật ở các trại giam trong hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo. Thi thoảng, nghe cô Lâm Thị Phương, thuyết minh viên Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo kể về những hình ảnh rùng rợn, tàn bạo của kẻ thù trong quá trình tra tấn cô chú bị bắt vì theo cách mạng, Gia Hân như muốn giật mình, sờ sợ vì trong mắt cô bé chưa thể hình dung nổi những hình ảnh khủng khiếp như thế.
Bé Gia Hân tâm sự: “Con rất thích hình ảnh các chú bộ đội cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và những gì con được nghe được thấy con càng thêm tự hào về thế hệ ông cha mình”. Và trong đêm thắp nến tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương do đoàn lãnh đạo, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân mới đây, cô bé chuẩn bị bước lên lớp 5 này mới thật sự được nghe nhiều thông tin về cô Võ Thị Sáu, nghe về những người đã ngã xuống ở hòn đảo này, những điều mà trước chỉ được nghe kể hoặc xem phim.
Với cô giáo Đặng Thị Hải, Trường tiểu học Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu và nhiều đồng nghiệp, chuyến đi Côn Đảo mùa hè này càng ý nghĩa hơn bởi các cô đã được “mắt thấy tai nghe” những câu chuyện lịch sử rất thật. Khi thuyết minh viên kể về những đòn roi man rợ, những hy sinh nơi chốn “địa ngục trần gian”, những khổ cực mà người tù cách mạng phải chịu ròng rã hàng chục năm trời, nước mắt cô Hải và nhiều đồng nghiệp đã nhiều lần rơi. Cô tâm sự: “Từ sự khâm phục ý chí của những người tù cách mạng trong suốt những năm tháng ở chốn ngục tù này, tôi và các đồng nghiệp sẽ kể về tinh thần bất diệt ấy của cha ông cho học trò của mình. Đoàn chúng tôi đi thăm các trại tù hôm đó may mắn được hai nhân chứng sống cùng đi và cùng kể cho cháu con nghe những câu chuyện các bác đã từng trải nơi đây”.
Giới thiệu về hệ thống “chuồng cọp” kiểu Pháp, nơi giam giữ những người tù chính trị.
Rất đông học sinh, sinh viên đến với địa chỉ đỏ
Cựu tù chính trị Trịnh Phi Long, nguyên là đội viên đội 1 biệt động quân khu Sài Gòn Gia Định. Quá trình hoạt động cách mạng bị địch phát hiện và chúng đã đưa bác ra giam giữ, tra tấn dã man suốt 3 năm tại đây. Giữa không gian Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, giọng bác Long vang lên văng vẳng kể về quá trình hoạt động cách mạng, nhất là những ngày tháng bị địch tra tấn, đánh dập nơi xà lim ở Côn Đảo. Ngay cả chị Lâm Thị Phương cũng cảm thấy mình may mắn vì buổi thuyết minh hôm ấy có người đồng hành bằng xương bằng thịt, “nhân chứng sống” của hơn 50 năm về trước.
Cùng ra thăm Côn Đảo, thăm lại đồng đội mình trong dịp tháng 7 lịch sử này còn có bác Trần Văn Đúng, nguyên Bí thư Chi bộ Hội Liên hiệp học sinh sinh viên Đặc khu Sài Gòn Gia Định. Giữa không gian của những “chuồng cọp” (nơi nhốt tù nhân - PV) kiểu Pháp, kiểu Mỹ ở trại giam Phú Tường, trại Phú Sơn. Bác Đúng đã cho đoàn cùng đi “trải nghiệm” 12 năm trong ngục tù với những đòn roi man rợ, khủng khiếp của kẻ thù đối với người làm cách mạng. Từng câu chuyện của quá khứ hơn 50 năm về trước vẫn được các “nhân chứng sống” kể rõ từng chi tiết như thể vừa xảy ra hôm qua. Bác Trần Văn Đúng tâm sự: “Đó là những ngày tháng không thể quên đối với thế hệ chúng tôi. Bao thế hệ của người theo cách mạng chưa bao giờ khuất phục trước đòn roi, nhục hình ở chốn lao tù này. Suốt 113 năm ở nơi đây, lớp lớp cựu tù vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt cách mạng sẽ thắng lợi, đất nước sẽ hòa bình”.
Mùa hè này, các địa chỉ đỏ của Côn Đảo thu hút đông đảo các du khách đến tham quan. Chị Lâm Thị Phương, người có thâm niên công tác 18 năm tại Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo đúc kết: Trong các đoàn khách đến với các địa chỉ đỏ ở đây, trong đó có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên. Qua những câu chuyện, nhân chứng, kỷ vật có thật, du khách thập phương sẽ hiểu và thêm yêu đất nước mình nhiều hơn.
Nghĩa trang Hàng Keo, nghĩa trang Hàng Dương tại Côn Đảo, các trại giam nơi đây là chứng tích của chế độ thực dân đối với dân tộc Việt Nam, là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sĩ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của nhà tù Côn Đảo. Tại nghĩa trang Hàng Keo, từ đầu thế kỷ 19 đến thời kỳ khủng bố trắng 1940 thực dân Pháp, nơi đây đã chôn cất hơn 10 nghìn tù nhân Việt Nam tại Nhà tù Côn Đảo. Còn nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.
Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/nha-tu-con-dao-dia-nguc-tran-gian-a56646.html