Sắc lệnh số 3162: Văn bản chính thức cuối cùng của Liên Xô viết gì?

Đó là cách mà Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chấm dứt sự tồn tại gần 70 năm của mình. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, đã chứng kiến biết bao sự kiện và những khoảnh khắc thăng trầm của một cường quốc vĩ đại.

Trên khắp cả nước, người dân đã lắng nghe những lời của vị Tổng thống đầu tiên và cũng là duy nhất của Liên Xô, người đã đặt dấu chấm hết cho cả một kỷ nguyên. Vậy sắc lệnh cuối cùng của Mikhail Gorbachev đã viết những gì?

Sự ra đời của Liên bang Xô viết

Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết ra đời vào năm 1922. Thành phần chính trong nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới khi đó bao gồm: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belarus và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz. Sau đó, các nước cộng hòa Gruzia, Armenia và Azerbaijan được thành lập từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz. Hiệp ước về việc thành lập Liên Xô được ký kết ngày 29-12-1922, và ngày hôm sau được thông qua tại Đại hội Toàn Liên bang Xô viết. Tuyên bố về việc thành lập Liên bang Xô viết đặc biệt nhấn mạnh, nhà nước mới được thành lập sẽ trở thành “bước quyết định mới trong việc thống nhất nhân dân lao động của tất cả các nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa thế giới Xô viết”. Hiệp ước về việc hợp nhất thành Quốc gia Liên minh có một quy định (khoản 25), theo đó đảm bảo cho các nước cộng hòa quyền tự do rút khỏi Liên Xô.

Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: Sobolev Valentin/ТASS

Sau đó, các nước cộng hòa Trung Á lần lượt gia nhập Liên bang Xô viết, và ngay trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), các nước Baltic và Moldova đã tham gia vào thành phần của quốc gia này.

Theo Hiến pháp Liên Xô, tất cả các nước cộng hòa đều bình đẳng, trong đó, theo chủ trương của Đảng, giới tinh hoa dân tộc và văn hóa dân tộc tích cực phát triển. Trong khi đó, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga không có Đảng Cộng sản và Viện hàn lâm khoa học riêng. Tuy nhiên, Nga về cơ bản là nhà bảo trợ cho các nước cộng hòa còn lại, đảm bảo an sinh cho họ bằng chính nguồn lực của mình.

Điều gì đã đánh dấu sự sụp đổ Liên Xô?

Đến đầu những năm 1980, Liên Xô rơi vào tình trạng khủng hoảng mang tính hệ thống. Mọi người đều thấy rõ sự tụt hậu về kinh tế và công nghệ so với các nước phương Tây, đại đa số nhân dân đều mất niềm tin vào các khẩu hiệu và những lời nói giáo điều. Nếu dưới thời Tổng Bí thư Nikita Khrushchev có gần một nửa dân số thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu rằng, chủ nghĩa cộng sản trong nước sẽ được xây dựng vào năm 1980, thì vào nửa cuối thập niên 1970, không chỉ là thời hạn xây dựng, mà còn chính ý tưởng về xã hội cộng sản trên thực tế đã không còn mấy ai quan tâm nữa.

Những nỗ lực cải cách Liên Xô, vốn được thực hiện vào cuối những năm 1980 (thời kỳ “cải tổ”), càng làm trầm trọng thêm mọi xung đột và mâu thuẫn đã tồn tại từ rất lâu. Tại các nước cộng hòa gia tăng xu hướng ly khai, bắt đầu nổ ra xung đột giữa các sắc tộc. Tháng 11-1988, Xô viết Tối cao Estonia đã thông qua Tuyên bố chủ quyền quốc gia của nước cộng hòa này. Vậy là từ đó bắt đầu quá trình được gọi là “cuộc diễu hành chủ quyền”, rất nhanh chóng được các nước cộng hòa vùng Baltic khác hưởng ứng tham gia, tiếp theo đó là các nước cộng hòa Ngoại Kavkaz và Trung Á. Năm 1990, xuất hiện ý tưởng ký kết Hiệp ước Liên minh mới quy định chủ quyền của từng nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Theo đó, Trung ương còn giữ lại quyền hạn khá hẹp, bao gồm: quốc phòng, an ninh quốc gia, xây dựng chính sách đối ngoại…

Tháng 7-1991, tại dinh thự Novoogarevsk của Gorbachev, Tổng thống Liên Xô và lãnh đạo của 9 nước cộng hòa (không có các nước Baltic, Armenia, Gruzia và Moldova) tiến hành đàm phán thành lập Liên bang Xô viết mới có tên gọi là Liên bang các nước Cộng hòa Xô viết có chủ quyền. Dự thảo Hiệp ước đã được chấp thuận và việc ký kết được ấn định vào ngày 20-8-1991.

Sẽ không bao giờ biết được nhà nước đó sẽ như thế nào nếu Hiệp ước được ký kết thành công, bởi cuộc chính biến ngày 19-8-1991 đã làm đảo lộn tất cả các quân bài của những người khởi xướng việc chuyển đổi Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa thành Liên bang các nước Cộng hòa có chủ quyền.

Ukraine, Belarus, Azerbaijan, Kyrgyzstan và các nước Cộng hòa khác cũng lần lượt tuyên bố chủ quyền dựa trên quyền tự quyết được quy định năm 1922.

Cuối cùng, vào tháng 12-1991, tại dinh thự Viskuli của Chính phủ Liên Xô trong khu rừng nghỉ dưỡng Belovezh ở Belarus đã tập trung các nhà lãnh đạo của 3 nước Cộng hòa, đó là: Boris Eltsin (Nga), Leonid Kravchuk (Ukraine) và Stanislav Shushkevich (Belarus).

Họ đã ký kết Hiệp ước thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Hiệp ước nêu rõ: “Liên Xô với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế và thực tế địa chính trị từ nay chấm dứt sự tồn tại của mình”. Về mặt hình thức, văn bản này đặc biệt không hợp pháp, bởi vì, thứ nhất, nó bỏ qua các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên Xô (được tổ chức trước đó vào tháng 3-1991).

Theo đó, tuyệt đại đa số những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì Liên Xô. Thứ hai, mọi quy trình đã không được tuân thủ khi thông qua văn bản theo quy định của Hiến pháp Liên Xô đối với trường hợp này. Mikhail Gorbachev, Tổng thống đương nhiệm của Liên Xô, khi đó có đủ quyền bắt giữ tất cả những kẻ âm mưu đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Một phần vì việc ký kết Hiệp ước Belovezh chỉ là sự xác nhận thực tế đã diễn ra, đó là Liên Xô thực sự đã sụp đổ.

NhữngvănbảncuốicùngcủaLiênXô

Ngày 25-12-1991, vào ngày phát biểu trên truyền hình, Mikhail Gorbachev đã ký Sắc lệnh UP-3162, trở thành sắc lệnh Tổng thống chính thức cuối cùng trong lịch sử Liên Xô. Văn bản này có tên gọi là “Về việc Tổng thống Liên Xô từ bỏ quyền hạn Tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô và bãi bỏ Hội đồng Quốc phòng trực thuộc Tổng thống Liên Xô”. Gorbachev tuyên bố sẽ từ chức Tổng thống, và do vậy ông xin thôi chức Tổng tư lệnh tối cao.

Ở Liên Xô, Tổng tư lệnh tối cao có toàn quyền quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân và “chiếc vali hạt nhân” do ông nắm giữ. Theo Sắc lệnh số 3162, tất cả những thứ này, gồm cả chiếc vali và nút hạt nhân, đều được chuyển giao cho Tổng thống Nga Boris Eltsin. Cùng ngày, vào lúc 19 giờ 38 phút, lá cờ đỏ của Liên Xô được hạ xuống tại Phủ Tổng thống bên trong Điện Kremlin ở Moscow và cờ ba màu của Nga được kéo lên.

Tuy nhiên, văn bản cuối cùng nhất trong lịch sử Liên Xô đã được ký vào hôm sau đó, ngày 26-12-1991. Đó là “Tuyên bố về việc chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập” của Hội đồng các nước Cộng hòa Xô viết tối cao Liên Xô. Nhà văn người Kazakhstan Anuar Alimzhanov, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Kazakhstan, đã ký vào văn bản lịch sử này. Trước đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng các nước Cộng hòa Xô viết Tối cao Liên Xô vào tháng 10-1991, với tư cách là người hoàn toàn trung lập về chính trị.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/dai-hoi-lan-thu-nhat-cac-xo-viet-toan-lien-bang-dien-ra-cuoi-thang-12-nam-1922-da-tuyen-bo-thanh-lap-a56908.html