Bộ sưu tập họa tiết thổ cẩm 12 dân tộc Việt Nam
Với 8 nhóm ngôn ngữ và 54 dân tộc, mỗi vùng miền đều mang những nét đặc trưng về văn hóa và đời sống, trong số đó trang phục là một trong những yếu tố góp phần xây dựng nên bản sắc riêng biệt cho mỗi dân tộc. Trang phục của dân tộc Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhờ vào những họa tiết độc đáo mang tính biểu tượng và nhiều những yếu tố tiêu biểu cho văn hóa, truyền thống của mỗi tộc người như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng. Hoa văn, trước hết đó là một biểu hiện của quan niệm thẩm mỹ, thông qua các bố cục mô típ, màu sắc, kỹ thuật… mặt khác trong đời sống cổ truyền của các dân tộc nó còn phản ánh những khía cạnh tâm lý, xã hội khác như tín ngưỡng chứa đựng bên trong các hình vẽ, các màu sắc, các phong cách bố cục hoa văn ấy là bản sắc văn hóa dân tộc, là tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa, văn hóa và sự giao thoa văn hóa của các tộc người.
1. Nhóm Việt - Mường (Dân tộc Mường):
Người Mường sinh sống ở khu vực miền núi phía Bắc - Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Trang phục của người Mường mang nét đặc trưng riêng biệt ở những vùng miền khác nhau. Ví dụ ở Tiêu Chí, hoa văn được thêu trên cạp váy; còn ở Phú Thọ, họa tiết thường là hình học, thực vật đơn giản, màu sắc tối; hay ở Hòa Bình hoa văn bao gồm động vật, chim và thực vật…; riêng tại Thanh Hóa, họa tiết có phần sinh động và màu sắc tươi sáng hơn. Trang phục dân tộc Mường thường có áo, váy, khăn, yếm và áo dài (lễ hội) và tùy theo từng vùng miền trang phục sẽ có những cách tân khác nhau. Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét độc đáo. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xé ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn dệt kỳ công.
Họa tiết trung tâm được mô phỏng theo mẫu họa tiết vùng eo váy (kai wal) của phụ nữ Mường ở Hòa Bình. Màu chàm thường là màu chủ đạo trong những trang phục của người Mường tại Hòa Bình, hồng đậm, đỏ và vàng cũng được sử dụng nhiều trong trang phục hàng ngày.
Jong bung (bàn chân nhện) trên su nhap (chân)
Chân của con rết
2. Nhóm Tày - Thái (Dân tộc Nùng):
Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh Đông Bắc bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang (chiếm tới 84%). Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Hoa văn chủ yếu được trang trí trên cổ, nẹp áo và tay áo. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau. Độc đáo nhất là những hoa văn ở khuy cổ áo, được làm bằng bạc, có hình con bướm hai bên và gắn các tua hình tam giác. Đây là biểu tượng thể hiện sự cầu mong hạnh phúc của người phụ nữ Nùng. Các hạt bạc còn được làm khuy áo, trang trí dọc nép áo, tạo cho trang phục nét trang trọng riêng biết. Họa tiết đặc trưng nhất của người Nùng Phán Sình nổi tiếng hơn cả bởi nét hiện đại khi hình thoi dẹp được kết thành bông hoa, màu sắc cùng đa dạng (khác với màu tím than đơn sắc mà các nơi khác hay dùng).
Họa tiết trung tâm được mô phỏng theo mẫu họa tiết đặc trưng trên túi đeo vai của phụ nữ Nùng Phán Sình
Ngôi sao
Chân của con tắc kè
Mũi tên
3. Nhóm Tày - Thái (Dân tộc Thái):
Dân tộc Thái sinh sống chủ yếu ở mảnh đất Mộc Châu, những người dân nơi đây có một nền văn hóa vô cùng độc đáo, trên thổ cẩm Thái còn rất nhiều họa tiết và hoa văn khác. Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xóa, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo… Thế giới động vật cũng được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng, sự xuất hiện của các con vật không chỉ để trang trí mà còn biểu hiện ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng nhất định. Trong nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái, màu sắc linh hồn của người thêu, quyết định sự thành bại của mỗi một hình thêu hoa văn. Màu chủ đạo trên các sản phẩm là màu xanh của cây cối, màu đỏ, hồng, trắng của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời.
Họa tiết trung tâm được mô phỏng theo mẫu họa tiết đặc trưng trên những chiếc khăn Pêu độc đáo của người Thái. Diềm của khăn Piêu được trang trí bằng những cặp “tín xáo” thêu theo kiểu vắt chỉ thành từng nhóm hai, ba hoặc bốn đường song song. Giữa các nhóm “tín xáo” còn được trang trí thêm những hình “tô pu” (con cua) hay “tô nhện” (con nhện) hoặc hình ngôi sao 5 cánh theo lối cách điệu
4. Nhóm Môn - Khơ-me (Dân tộc Ba Na):
Với những hoa văn, họa tiết giản dị được trang trí trên chất liệu thổ cẩm, các bộ trang phục của người dân tộc Ba Na đã tạo nên những bản sắc riêng ở núi rừng Tây Nguyên. Họa tiết trên trang phục cũng thể hiện ý nghĩa nhất định và màu sắc tinh vi thể hiện quan niệm đối xứng về trời - đất, vũ trụ, âm - dương. Để tạo nên cho những bộ trang phục thêm rực rỡ, phong phú về họa tiết thì màu sắc đã được đồng bào nơi đây chọn rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Nguyên liệu được chọn từ những thứ cây có trong tự nhiên như: màu vàng lấy từ củ Ktron, màu trắng lấy từ củ Kxan… Trang phục của người Ba Na sử dụng 3 màu chính là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Trong các màu thì đồng bào Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên.
Họa tiết được mô phỏng theo trang phục hàng ngày của người phụ nữ Ba Na
Tổ ong (topu ong)
Chéo nhau (pochuang, kotuang)
5. Nhóm Môn - Khơ-me (Dân tộc M’nông):
Trang trí hoa văn truyền thống của người M’nông là nghệ thuật tạo hình thể hiện quan điểm, tình cảm và giá trị tâm linh cũng như thẩm mỹ của con người trong thế giới tự nhiên và siêu nhiên (thần linh). Họ sử dụng phong cách trang trí hiện thực để mô tả sinh động vũ trụ - vạn vật và cuộc sống đời thường. Để làm phong phú và sinh động sắc thái sản phẩm, người M’nông còn sử dụng các chất màu tự nhiên khác vừa phối màu tương phản vừa trang trí nghệ thuật, tạo ra màu sắc và hoa văn sặc sỡ, như vàng - đen, xanh - đen, xanh - vàng, trắng - đỏ, tím - vàng… Họ còn lấy các màu nguyên chất trong tự nhiên hòa với màu đen chàm để nhuộm sợi, cho ra màu gri - xám nhẹ. Đồng bào M’nông còn trang trí nhiều hình thể tự nhiên, tạo sự phong phú, đa dạng về loại hình trang trí dân gian trên trang phục, phổ biến các loại hoa văn truyền thống thường gặp, nhưng vẫn phác họa sinh động vũ trụ quanh ta, cuộc sống đời thường của cư dân nông nghiệp bằng những hình ảnh thực tế từ thiên nhiên hay cả đường nét hoa văn theo mô típ hình kỷ hà để tạo ra vạn vật như vân lá đậu (nrang ha tuh), vân cành đa (rơnôk mbah jri), hình đa giác, hình tam giác, hình vuông…
Họa tiết trung tâm được mô phỏng từ một mẩu váy thêu bằng sợi của người M’Nông, ý nghĩa của nó là mô phỏng lại tự nhiên, cụ thể là hình ảnh vân lá đậu (nrang ha tuh).
Mắt của chim bồ câu (nam ktop)
Những nhánh cây đa (ronok mbah jri)
Tổ ong (to pu oong)
6. Nhóm Môn - Khơ-me (Dân tộc Xơ Đăng):
Dân tộc Xơ Đăng cư trú trong vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, tập trung chủ yếu ở tỉnh Kon Tum. Người Xơ Đăng thích hát múa, tấu chiêng còng, chơi đàn, kể chuyện cổ. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu. Đây là dân tộc có truyền thống dệt vải, nhất là nghề dệt dồ (dệt thổ cẩm) nổi tiếng từ xưa đến nay. Đối với các tấm dồ, hoa văn phải giống hệt như họa tiết vẽ trên cây nêu trong các lễ hội đâm trâu của người Xơ Đăng. Hoa văn của người Xơ Đăng cũng khá gần với các dân tộc cùng nhóm nhưng màu sắc có phần đơn giản hơn, mộc mạc và sẫm màu.
Họa tiết trung tâm được mô phỏng theo mẫu hoa văn ở phân khúc cuối của những chiếc khố, họa tiết này phổ biến nhiều ở khu vực làng Kon Bring, huyện Đắk Tô, Tỉnh Kon Tum. Ý nghĩa của nó thiên về vũ trụ và siêu thực.
Mình của con sâu (tan kal)
Tổ ong (to pu oong)
Trái khóm (thơm) - (mnga boh tenan)
7. Nhóm H’ Mông - Dao (Dân tộc Dao):
Về trang phục, so với các dân tộc khác thì dân tộc Dao được coi là còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình với chất liệu bằng vải bóng nhuộm chàm, màu xanh, đỏ, đen, tím than hoặc để trắng. Ngoài những họa tiết là vốn chung của nhiều dân tộc như hoa tám cánh, chữ S, mào gà, chữ vạn… người Dao còn có nhiều sáng tạo họa tiết riêng như khai thác các hình tượng thiên nhiên, có một chút yếu tố trừu tượng nhưng vẫn diễn tả gần gũi với đời sống như cây thông, người, ngựa, sóng nước, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao… Cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao vô cùng độc đáo. Muốn hình gì, người ta sẽ dùng bút vẽ rồi nhúng khuôn vào in vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Họa tiết của người Dao vô cùng phong phú và tùy vào mỗi vùng miền sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau về ý nghĩa.
Họa tiết mô phỏng theo những hoa văn về thiên nhiên và đời sống của người Dao Đỏ. Những hoa văn được chọn lọc dựa trên những chiếc khăn, túi xách lẫn cả những chiếc khăn đội đầu cảu cô dâu tại bản Tả Phìn, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
8. Nhóm H’Mông - Dao (Dân tộc H’Mông):
Từ giá trị căn bản là bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người H’Mông luôn đề cao giá trị có kết cộng đồng. Trong ý thức cộng đồng, người H’Mông có nét đặc thù là đề cao cộng đồng huyết thống (gia đình, dòng họ) hơn cộng đồng láng giềng. Đặc điểm này phản ánh đậm nét trong các hoa văn trên trang phục. Hoa văn con sên biểu hiện của tình thân, sự thịnh vượng cho gia đình. Hình xoắn đối ngược của nó hay hai con sên cho sự phát triển và hòa hợp giữa hai dòng họ. Viên kim cương, hình vuông ý chí bàn thờ ông bà trong nhà cho sự bảo vệ của tổ tiên trước con cháu. Hoa văn lưỡi câu cầu chúc cho cô gái lấy được chồng tốt. Một số hoa văn tiêu biểu đặc trưng cho mối quan hệ giữa đời sống vật chất và tinh thần như hoa văn con hổ, con rồng biểu hiện cho quyền lực. Ở vùng cao nương bí, nương dưa với những hoa dưa, hoa bí luôn là hình ảnh quen thuộc của người H’Mông, nhà nào cũng trồng dưa, trồng bí. Quả bí, bầu là hình tượng sản sinh ra dân tộc, các dòng họ. Quả bí còn sinh ra các dũng sĩ tài ba trong truyện cổ tích thần kỳ của người H’Mông.
Hoa văn con rết biểu hiện được mọi người kính trọng và tài chữa bệnh. Hoa văn hình tam giác, cái răng, vảy cá, hàng rào giúp lưu giữ linh hồn tốt, xua đuổi tà ma. Hoa văn ngôi sao tám cánh biểu tượng của bát tinh cát tường. Cùng nhiều hoa văn chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian mong ước trời an vật thịnh, mùa màng bội thu. Mũ trẻ nhỏ H’Mông hoa ở Mường Khương, ở đỉnh đầu có thêu hình mào gà trống, theo quan niệm của người H’Mông gà trống là một biểu tượng của vị thần cửa - chống ma ác vào nhà, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Họa tiết được mô phỏng theo hoa văn của người H’Mông Trắng sinh sống tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
9. Nhóm Nam Đảo (Dân tộc Ê Đê):
Trang phục Ê-đê truyền thống có 5 màu cơ bản: đỏ (hrah), đen (yadu), vàng (cakni), xanh (yapiek) và trắng (kỏ), màu xanh lục có xuất hiện song rất hiếm. Để tạo nên bốn sắc màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, xanh trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Ê-đê đã tìm nguyên liệu tạo màu từ các loại lá rễ cây rừng. Đối với việc tạo hoa văn, công việc đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi măc sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, kỹ thuật nâng và hạ sợi hoàn toàn khác nhau. Dải hoa văn gồm những chuỗi họa tiết, lá cây, con thú được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài vải như: hoa văn rau dớn, cối giã gạo.. ước tính có khoảng 48 loại hoa văn thường gặp. Ngoài ra còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc, cong, gãy nằm song song theo dải hoa văn. Chủ yếu hoa văn trang trí cảu người Ê-đê từ các hình kỷ hà, song song lấy ý tưởng từ các loại hoa lá, cây rừng xung quanh nơi ở. Hoa văn cách điệu từ các hình vuông, tròn, tam giác, đường thẳng song song, dích dắc… tạo hình phong phú trên trang phục.
Họa tiết trung tâm được mô phỏng theo biểu tượng một loài hoa của vùng núi (cham flower) thường được thêu trên những chiếc khố bằng kỹ thuật kteh
Đường gấp khúc (dêc vie)
Trứng chim cút (mnga boh vat)
Cuộn chỉ thêu (mnga boh dêc)
Lá mây (mnga guol)
Rồng đất (mnga anak rai)
10. Nhóm Nam Đảo (Dân tộc Gia Rai):
Với 4 màu sắc cơ bản là đỏ, đen, vàng và trắng, người dân Gia Rai đã biết cách kết hợp từng màu sắc đó lại và dệt đan xen nhau để màu này tôn lên cho màu kia, đứng gần nhau mà không chọi nhau trên màu nền màu chàm truyền thống. Màu sắc của sợi được nhuộm từ các loại cây khác nhau. Màu đen được nhuộm từ lá cây mo, màu chàm nhuộm từ cây truôn nhây, kpai, lá cây tơ rum; màu đỏ từ cây hoang nâu... Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên, nền vải màu đen đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó lúc sống cũng như lúc chết, màu đỏ biểu tượng cho sự đam mê, cho sự vươn lên, cho khát vọng, tình yêu, màu xanh là màu của đất trời, cây lá, màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Nhìn chung, hoa văn trên trang phục của người Gia Rai khá đa dạng về mô típ và màu sắc. Đó có thể là hoa văn hình học, hoa văn hình người và hoa văn hình động vật, thực vật.
Với người Gia Rai, màu đen và đỏ là 2 màu được ưa chuộng nhất. Các mô hình bố cục và cách thức trang trí trên thổ cẩm đều thể hiện theo chiều ngang của tấm vải khi dệt. Họa tiết được mô phỏng thêm mẫu dệt ở chân váy với loại hoa văn chủ đạo là pngan tơngan - một loại hoa văn biến thể của hoa văn rau dớn (ktoanh) nằm giới hạn trong hai dải hoa văn dọc (hoa văn hình cây rau dớn có liên quan mật thiết với người Gia Rai ngay từ khi tộc người này bắt đầu sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên). Ngoài ra, còn có một số hoa văn trang trí hình hoa trái kdăk, hoa văn chân rết (lê pan), hoa văn hình mắt chim (mta buh), hoa văn hình con chó, hình con rùa…
11. Nhóm Tặng - Miến (Dân tộc Lô Lô):
Hai nhóm Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen đều sử dụng phối hợp kỹ thuật chắp vải màu có thêu khá tinh tế trong những khuôn thức bố cục chặt chẽ, có hòa sắc rực rỡ sáng, tươi của các màu nguyên sắc được bố trí bên nhau làm rõ, làm tăng độ tương phản vốn có. Người Lô Lô Hoa sử dụng kỹ thuật trang trí chắp hình vải màu nhiều hơn trên trang phục. Người Lô Lô Đen sử dụng kỹ thuật thêu nhiều hơn, dùng xen kẽ với chắp hình vải màu, bố cục trang trí trang phục thoáng, nhẹ hơn. Hình tượng thần vị Kết Dơ - cai quản vũ trụ, tạo ra con người; các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc, các khuy hình tròn bằng vỏ trai, vỏ ốc xà cừ có màu sắc lóng lánh dính thành dây, thành chùm trên nền khăn đen, các hạt cườm ngũ sắc, các tua đỏ đính viền mép khăn đội đầu, thể hiện cho bầu trời cùng các vị thần tinh tú. Đường diềm trang trí ô thể hiện họa tiết biểu trưng cho sự tuần hoàn của Mặt trời, Mặt trăng, thời tiết, mùa màng viền quanh khăn, là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ.
Hình tượng thần vị Mít Dơ - cai quản mặt đất, che chở con người, các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc. Đường diềm trang trí ô hình vuông thể hiện họa tiết tượng trưng cho bốn phương và trung tâm viền quanh khăn đội đầu, các mảng trang trí trung tâm chia thành nhiều ô vuông, trong ô vuông có chắp vải hình tam giác kềm nhau đôi một, một bên sáng một bên tối, một bên đậm màu một bên nhạt màu, một bên rực sáng, một bên trầm u… thể hiện cho sự chuyển biến tuần hoàn của không gian, thời gian, của vũ trụ kỹ bí - là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ. Cả hai kiểu bố cục đó đều sử dụng các họa tiết khác nhau nhằm biểu trưng cho cõi trời, cõi đất.
12. Nhóm Tặng - Miến (Dân tộc Hà Nhì):
Trang phục của người Hà Nhì nổi bật với những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn. Những bông hoa được làm thủ công bằng bạc nổi bật lên trên nền sậm của bộ áo. Những chiếc khuy vải cũng được tạo hình bông hoa để liên kết mảnh yếm lại. Màu sắc trên bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì thường là màu xanh tượng trưng cho những cây xanh sống tại đất rừng Y Tý. Những hoa văn uốn lượn thì tượng trưng cho những bông hoa ban trắng. Còn những đường gấp khúc thì tượng trưng cho những thửa ruộng bậc thang. Dễ dàng nhận thấy những họa tiết trên trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì thể hiện sự hòa hợp giữa yếu tố con người và thiên nhiên. Các họa tiết phản ánh một phần cuộc sống sinh hoạt. Các tộc người Hà Nhì thiên về sử dụng gam màu trung gian cho các họa tiết trang trí. Đa phần họ dùng màu nóng, màu trung gian của màu nóng để kết hợp như: đỏ gạch non, lòng tôm nhạt, màu xanh lá nhạt…
- duy nguyen -
>>> Hoa văn Việt Nam (Phần 1)
>>> Họa tiết trong tranh Hàng Trống
>>> Màu sắc và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc
Link nội dung: https://googleplay.edu.vn/cac-hoa-tiet-dan-toc-viet-nam-a57196.html