Người ta nhắc nhớ nhau để sống lại tuổi thơ trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Một Hà Nội thân quen, một Hà Nội mới mà không lạ. Thế mới thấy được cái phong vị văn hóa Hà thành vẫn vẹn nguyên trong vóc dáng của Hà Nội và người Hà Nội hôm nay.
Ký ức không bị lãng quên
Có vẻ như “tiếng lòng” thuở nào dội về khi những thước phim điện ảnh chạm vào vùng cảm xúc linh thiêng của ông giáo già nơi phố cổ. Chẳng vậy mà ông cứ trầm ngâm mãi. Cho đến khi chúng tôi dắt nhau ra quán trà đá vỉa hè, ông mới bất giác thành diễn giả: “Đạo diễn đúng là một người Hà Nội, hiểu Hà Nội đến chân tơ kẽ tóc nên đã khắc họa cuộc chiến đấu chống Pháp của người Hà Nội trong trận chiến Đông Xuân năm 1946 - 1947 rất Hà Nội. Giữa khói lửa của cuộc chiến, tinh thần và cốt cách của người Hà Nội hiển hiện rõ mồn một, từ cặp vợ chồng bán phở, ông họa sĩ biết nói tiếng Pháp, vị linh mục của nhà thờ Công giáo, đến cậu bé đánh giày, cặp đôi trẻ, cô đào hát, những chàng cảm tử quân…”.
Ông bạn tôi nói đúng, một ký ức với đủ đầy tính cách Hà Nội đã được khắc họa chân thực. "Đào, phở và piano" là tên của bộ phim, nhưng cũng là cái đẹp nổi bật của Hà Nội. Hoa đào là biểu trưng cho cái Tết trọn vẹn của người Hà Nội, nhắc nhớ một thú chơi tao nhã của người Hà thành; giữa khung cảnh hoang tàn của chiến tranh, cành đào hiện hữu đại diện cho bình yên và hạnh phúc.
Phở là món ăn đặc trưng của Hà Nội, được biết đến đầu tiên qua những gánh phở rong len lỏi vào các ngõ nhỏ Hà thành; đi liền với món ăn thanh tao ấy là cái sự sành ăn của người Hà Nội - thói ăn tao nhã, ăn để thưởng thức, thói ăn chuộng vị của nguyên liệu làm nên món ăn.
Còn piano - một nhạc cụ đậm phong cách phương Tây hiện diện giữa khung cảnh “rất Hà Nội” đó như khẳng định rằng: Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của bốn phương, và văn hóa phương Tây cũng được tiếp nhận một các chọn lọc, tinh tế qua hình ảnh Piano hiện diện bên chàng cảm tử quân để nhắc nhớ tính cách hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội, nhắc nhớ cả khát vọng hòa bình, cả sự lạc quan của người Hà Nội…
Còn ca trù - yếu tố không hiện hình trên tên phim, nhưng cũng đậm đà hình ảnh và ghi dấu đậm nét trong lòng người xem. Nó đích thực là nghệ thuật mang phong vị Hà thành linh thiêng và hào hoa, một thú thưởng thức tao nhã của người Hà Nội. Nó không chỉ phản ánh một loại hình giải trí dân gian của giai đoạn 1946 - 1947, mà như một thông điệp gửi đến người đương thời: hãy giữ gìn và phát triển loại hình văn hóa độc đáo của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến; giữa “cơn lốc” giao thoa và hội nhập văn hóa toàn cầu, thì định hình, phát triển văn hóa truyền thống là nhiệm vụ không thể lãng quên… Ký ức Hà Nội xưa được đánh thức trong lòng người Hà Nội nay, không nhạt nhòa mà đầy nhớ thương và vẹn nguyên giá trị.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dòng cảm xúc bất chợt đưa đến những so sánh xưa - nay về Hà Nội và người Hà Nội. Rõ là Hà Nội kinh qua thời gian vẫn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của miền Bắc và cả nước - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương. Từ giai đoạn phong kiến, văn hóa các vùng miền tụ hội về đây, nhưng là những gì tinh hoa nhất hoặc được nâng lên một tầng cao hơn để thích nghi với phong thái của chốn hoàng gia. Vì vậy mà con người Hà thành từ lâu đã hình thành những nét đặc trưng riêng về tính cách, lối sống. Chẳng riêng ghi chép của các nhà nghiên cứu văn hóa, cứ nhìn ngắm cách người Hà Nội sống sẽ thấy một lối sống đơn giản, không phô trương, mà nho nhã, thanh lịch.
Ở môi trường trung tâm nhộn nhịp, bốn phương hội tụ đó, họ đã học cách điềm tĩnh trước mọi vấn đề để tìm ra hướng giải quyết. Họ là người có tinh thần trách nhiệm, không ganh đua. Vì thế mà các gia đình Hà Nội có mấy đời cùng sống và sinh hoạt, mỗi người đều coi trọng truyền thống gia đình, hành xử tế nhị, ăn nói lễ phép. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là vậy.
Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, văn hóa phương Tây du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Tại Hà Nội, bên cạnh những lối sống, giáo dục trong gia đình xưa, đã xuất hiện những ngôi nhà gạch kiểu châu Âu, những loại hình giải trí mới.
Người Hà Nội giai đoạn này bên cạnh những tính cách đặc trưng, còn nổi bật lên lòng dũng cảm, lòng yêu nước. Những người đàn ông nén lòng gạt lại sau lưng gia đình để trở thành cảm tử quân, những người lớn tuổi trở thành hậu phương cho người lính ở tiền tuyến, những người phụ nữ liễu yếu đào tơ cũng kiên cường đứng lên chống giặc, cả đứa trẻ nhỏ tuổi cũng khao khát trở thành cảm tử quân. Mỗi người Hà Nội đều một lòng hướng về Tổ quốc, hướng về những ngày tự do, hòa bình của dân tộc…
Ngày nay, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước và vẫn là nơi hội tụ bốn phương, thu hút người tứ xứ đến sinh sống, học tập và làm việc. Trước xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, người Hà Nội cũng đã có nhiều thay đổi trong lối sống khi được đi nhiều nơi, chứng kiến và tiếp thu nhiều phong thái văn hóa mới…
Người Hà Nội hôm nay nhanh nhạy nắm bắt, tiếp thu, dung hòa và lan tỏa các xu hướng mới, nồng nhiệt trong hành trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để chỉnh trang và tái thiết đô thị Hà Nội, không ngừng học hỏi để hòa nhịp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như vũ bão trên phạm vi toàn cầu…
Nếp sống của người Hà Nội vì thế cũng không còn đóng khung trong mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường truyền thống. Vậy nhưng, cứ nhìn ngắm cách người Hà Nội sống, vẫn thấy hiển hiện trong sự hiện đại nét giản dị, nho nhã, không gấp gáp… Một tính cách mang tên Hà Nội chỉ cần chạm vào là sẽ “phát sáng” để người yêu Hà Nội dễ dàng nhận ra và trân trọng. Một lối sống hào hoa, kiêu kỳ, kín đáo dường như đã ăn sâu vào đất và người, dù không lộ diện thường xuyên trong cuộc sống thường nhật…
Không sai khi nói rằng phim là một “cái cớ” để người hoài cổ nhớ thương Hà Nội, nhưng cũng là một chứng nhân để nói rằng: Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong trái tim người đương thời dù đô thị hóa đang chở theo xu hướng giao thoa và hội nhập văn hóa mạnh mẽ. Dù lớp bụi thời gian có phủ màu lên năm tháng, thì vẫn vẹn nguyên một tính cách Hà Nội như đã ăn sâu vào máu, để bất chợt rạng rỡ trong một khoảnh khắc của đời thường náo nhiệt.