Cơ chế đông cầm máu đóng vai trò quan trọng khi cơ thể xuất hiện vết thương. Đồng thời máu đông kết quả của cơ chế đông máu, cũng có thể di chuyển đến các vùng khác và gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy đông máu là gì? Cơ chế đông máu và chức năng với cơ thể như thế nào? Bài viết dưới đây, bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp vấn đề huyết khối và một số cách ngừa biến chứng hình thành cục máu đông gây bệnh trong cơ thể.
Đông máu là gì?
Đông máu là quá trình phức tạp có thể hình thành cục máu đông để bảo vệ cơ thể hạn chế chảy và mất máu quá nhiều khi bị thương hoặc phẫu thuật. Cục máu đông là khối bán rắn màu đỏ được cố định bằng lưới gồm các tế bào máu và chất khác hình thành trong mạch máu.
Cục máu đông được tạo thành từ tiểu cầu (mảnh tế bào nhỏ không màu do tủy xương tạo ra) và fibrin (loại protein trong máu, có tính chất kết dính và hình dạng giống như sợi dây dài). Tiểu cầu và fibrin phối hợp với nhau để bịt kín vùng mạch máu bị thương. Màu đỏ của cục máu đông xuất phát từ các tế bào hồng cầu được bọc lại trong fibrin ngăn máu chảy qua vết thương. (1)
Tuy nhiên, cục máu đông có thể xuất hiện vì bệnh khác. Người bệnh có tình trạng này có thể hiện diện một số triệu chứng liên quan và thậm chí đe dọa tính mạng trong các trường hợp nặng.
Đông máu có vai trò chức năng gì đối với cơ thể người?
Đông máu đóng vai trò quan trọng với cơ thể người. Đông máu là tuyến phòng thủ đầu tiên khi mạch máu tổn thương. Đông máu giúp vết thương nhanh lành thương, hạn chế mất máu và ngăn vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng. Nếu không có cơ chế đông máu có thể khiến cơ thể mất máu quá nhiều, rối loạn đông máu,… và thậm chí gây tử vong.
Cơ chế đông máu diễn ra như thế nào?
Cơ chế đông máu diễn ra như sau: (2)
- Tiểu cầu tạo thành nút chặn: khi mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu được giải phóng và bám dính vào nhau trên thành mạch máu. Sau đó, tiểu cầu thay đổi hình dạng tạo thành nút bịt kín phần bị gãy để ngăn máu chảy ra ngoài. Ngoài ra, khi tiểu cầu được giải phóng cũng tạo ra hóa chất thu hút thêm tiểu cầu và các tế bào khác để bắt đầu bước tiếp theo.
- Cục máu đông (huyết khối) phát triển: các protein trong máu sẽ báo hiệu cho nhau để gây ra phản ứng dây chuyền nhanh chóng. Cục máu đông kết thúc bằng việc một chất hòa tan trong máu biến thành những sợi fibrin dài. Những sợi này tạo ra mạng lưới bẫy bọc các tiểu cầu và tế bào giúp cục máu đông cứng và bền hơn.
- Phản ứng ngăn chặn sự phát triển: các protein khác được sản sinh ra thay cho các protein đã được dùng trong quá trình đông máu.
- Cơ thể từ từ phá vỡ máu đông: khi các mô bị tổn thương lành lại, sợi fibrin cứng sẽ tan ra và máu lấy lại các tiểu cầu và tế bào của cục máu đông.
Nguyên nhân và yếu tố tham gia quá trình đông máu
Nguyên nhân gây quá trình đông máu diễn ra khi cơ thể bị thương, nội mạc mạch máu tổn thương và kích thích hệ thống đông máu. Các yếu tố đông máu bao gồm các protein máu như prothrombin, fibrinogen, factor VIII, thrombin, factor V,… sẽ hoạt động tổng hợp, hình thành mạng sợi protein - fibrin và kết hợp với các yếu tố khác giúp hạt máu gắn lại với nhau và hình thành thành cục máu đông.
Các thành phần khác của cục đông máu bao gồm tiểu cầu, sợi huyết và các yếu tố đông máu khác nhằm ngăn chặn sự mất máu và vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, máu đông cũng gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu cục đông máu di chuyển đến các vùng khác trong cơ thể.
Một số tình trạng máu đông có thể gặp
Một số tình trạng máu đông có thể gặp, bao gồm:
1. Bệnh tăng đông máu
Đây là trạng thái máu đông lại quá nhanh hoặc không cần thiết khiến quá trình lưu thông máu bị chặn và gây tắc nghẽn mạch máu. Bệnh tăng đông máu rất nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe.
2. Rối loạn đông máu
Đây là tình trạng cơ thể tạo ra nhiều cục máu đông hơn bình thường. Người bệnh có thể do di truyền rối loạn làm tăng nguy cơ đông máu hoặc cơ thể mắc bệnh rối loạn đông máu. Các rối loạn đông máu thường gặp bao gồm:
- Yếu tố V Leiden: rối loạn di truyền này phổ biến nhất. Bệnh làm tăng nhẹ nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi.
- Đột biến gen prothrombin: tình trạng di truyền này làm tăng nhẹ nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi.
- Hội chứng kháng phospholipid: rối loạn tự miễn dịch này làm tăng nguy cơ đông máu.
3. Cục máu đông gây nguy hiểm
Một số vấn đề về sức khỏe khiến cơ thể hình thành quá nhiều cục máu đông. Bệnh xảy ra do các yếu tố đông máu trong cơ thể hoạt động quá mức hoặc hệ thống làm tan cục máu đông có vấn đề. Khi cơ thể có quá nhiều cục máu đông sẽ dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như:
- Đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu trong não.
- Nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành.
- Thuyên tắc phổi do cục máu đông - bệnh xảy ra khi cục máu đông di chuyển từ hệ tĩnh mạch về phổi.
- Một số bệnh xảy ra do cục máu đông gây tắc nghẽn hệ động mạch hoặc tĩnh mạch gây giảm lượng máu đến nuôi các cơ quan.
Khi nào cần xét nghiệm đông máu?
Bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm đông máu khi cần chẩn đoán, đánh giá khả năng đông máu của cơ thể người bệnh và kiểm tra quá trình này sẽ kéo dài bao lâu. Người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm đông máu trong một số trường hợp sau:
- Người bệnh chảy máu không cầm được hoặc xuất hiện vết bầm tím bất thường trên cơ thể.
- Kiểm tra liều Warfarin người bệnh đang dùng có phù hợp hay không.
- Kiểm tra lượng vitamin K trong cơ thể.
- Kiểm tra máu trước khi phẫu thuật.
- Kiểm tra hoạt động chức năng gan.
- Kiểm tra cơ thể có tạo ra quá nhiều cục máu đông hay không.
- Chẩn đoán chính xác tình trạng, mức độ và diễn biến của rối loạn đông máu.
- Người bệnh không dùng thuốc chống đông máu nhưng vẫn có một số dấu hiệu rối loạn đông cầm máu như chảy máu cam, phân hoặc nước tiểu có máu, chảy máu nướu răng, chảy máu khớp, suy giảm thị lực…
- Chẩn đoán các bất thường về đông máu.
Những lưu ý về quá trình đông máu bạn cần biết
Một số lưu ý về chẩn đoán sớm bất thường trong quá trình đông máu để ngăn cục máu đông xuất hiện và ngừa các bệnh nguy hiểm, đặc biệt người bệnh có ghi nhận tình trạng tăng đông máu được di truyền trong gia đình. Cụ thể:
- Đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe hàng năm.
- Tầm soát ung thư thường xuyên.
- Giữ cân nặng khỏe mạnh.
- Không hút thuốc.
- Uống nhiều nước.
- Dùng biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone không có estrogen.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày.
Cơ thể có thể nhanh chóng hình thành cục máu đông để cầm máu nếu bị thương. Tuy nhiên, cục máu đông cũng có thể xuất hiện khi cơ thể không cần đến và gây nhiều bệnh nghiêm trọng như bệnh tim mạch và đột quỵ não. Người bệnh có nhiều cách để ngừa rối loạn đông máu thông qua việc thay đổi lối sống, trừ người bệnh mắc một căn bệnh khác gây dễ đông máu.
Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong tiếp nhận, phân tích mẫu bệnh phẩm, cung cấp kết quả xét nghiệm chính xác, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Trung tâm Xét nghiệm còn được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 với hệ thống máy Roche Cobas 6000; hệ thống quản lý phòng xét nghiệm Cobas Infinity; hệ thống máy Sysmex XN1000, Sysmex cs-1600; máy khí máu Roche Cobas b211; máy cấy máu; máy định danh - kháng sinh đồ tự động Vitek II Compact; máy PCR… được nhập từ các nước tiên tiến trên thế giới gồm Mỹ, Úc. Điều này nhằm đáp ứng các xét nghiệm tổng quát, các xét nghiệm chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả trong tư vấn, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về quá trình đông máu và nếu có dấu hiệu chảy máu bất thường, hãy đến gặp bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.